Đầu tháng 4/2018, bà Đặng Thị Lan (62 tuổi, ngụ tổ 5, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho một người ở Hà Nội mượn đất để trồng tạm ba cây đa cổ thụ. Đã hai năm trôi qua, chủ cây vẫn không tới “rước”, còn lực lượng chức năng lại lúng túng trong việc xử lý những “tang vật” đặc biệt này. Bà Lan cho rằng nơm nớp lo sợ vì cây có thể gãy đổ bất cứ lúc nào, cũng như việc xây nhà cho con trên mảnh đất này chưa thể thực hiện được.
Dù chỉ “cắm tạm” trên đất Huế, ba cây đa vẫn xanh um tươi tốt |
“Tang vật” đặc biệt bị “bỏ rơi”
Ngày 30/3/2018, tại Km 860 trên tuyến QL1 (qua xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), tổ tuần tra thuộc Trạm Cảnh sát giao thông Phú Lộc phát hiện ba xe đầu kéo chở ba cây cổ thụ “khủng” (cây đa sộp) nghênh ngang trên đường.
Ba xe đó gồm xe đầu kéo BS 73C-028.80 do tài xế Nguyễn Ngọc Linh (trú TP Đồng Hới, Quảng Bình) điều khiển, vi phạm chở cây vượt quá chiều dài hơn 10%, quá tải cầu đường từ 20 - 50%; xe đầu kéo BS 73C-021.48 kéo theo rơ moóc 73R-003.82 do tài xế Trần Sỹ Đồng (trú huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) điều khiển, lỗi quá chiều dài, quá chiều cao; xe đầu kéo 73C-046.05 kéo rờ moóc 73R-002.01 (tài xế Nguyễn Minh Thăng, trú huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) vi phạm ba lỗi: Quá chiều dài, quá chiều cao, quá tải cầu đường từ 20-50%.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng Thừa Thiên - Huế đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với chủ vận tải là Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn (tỉnh Quảng Bình) tổng cộng 81,7 triệu đồng, đồng thời tước bằng lái của tài xế từ 1-3 tháng.
Sau khi xử phạt, Trạm Cảnh sát giao thông Phú Lộc đã yêu cầu chủ các phương tiện trên phải hạ tải cây chở trên xe, hạ chiều cao, giảm chiều dài mới cho phép lưu hành; nếu không phải có giấy phép lưu hành đặc biệt. Chủ ba cây này cũng bị phạt 750 ngàn đồng vì “Vi phạm thủ tục hành chính trong vận chuyển lâm sản”.
Những cây đa thời điểm bị CSGT chặn giữ |
Hành trình của những chiếc xe này được sự chú ý đặc biệt của dư luận vì những chiếc xe này đã “chui lọt” hàng chục chốt CSGT các tỉnh thành từ Đắk Lắk, về tới Huế mới bị xử lý.
Tại cơ quan công an, chủ cây là anh Kiều Văn Chương (34 tuổi, ngụ xóm Gò Chói 1, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, anh vào Đắk Lắk mua ba cây trên thông qua sự giới thiệu của người quen. Giá mua ba cây đa cổ thụ lần lượt là 14, 15 và 20 triệu đồng.
Sau khi cơ quan chức năng trả lại ba cây đa nói trên, anh Kiều Văn Chương đã vận chuyển đến vườn nhà bà Đặng Thị Lan (đoạn đường tránh TP Huế) để trồng và gửi lại cho bà Lan chăm sóc. Không ai ngờ ba “khúc củi” khổng lồ này lại có sức sống mãnh liệt như thế. Khi dựng lên cắm tạm vào đất, nhiều người hoài nghi không biết những cây này còn có thể bén rễ nảy lá.
Thoắt đi thoắt lại đã gần hai năm, không ngờ dù “sống tạm” trên khu đất ven quốc lộ khô cằn, nhưng những “cụ cây” xanh tốt không ngờ, từ những cành khô đã xum xuê tán lá. Hiện hai cây đa sộp sinh trưởng và phát triển tốt, riêng một cây “có một chút vấn đề”, khi sau này bất ngờ bị cháy một phần ngọn, bài viết sẽ nói đoạn sau.
Sau một thời gian tưởng như bị “lãng quên”, những “cụ đa” lại lần nữa “dậy sóng” dư luận, khi người có đất cho chủ cây “cắm tạm” có ý kiến đến cơ quan chức năng. Sau đó ông Nguyễn Đắc Tập (Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy) đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, văn bản nêu: “Từ khi trả lại cho đến nay, chủ lâm sản (chủ cây) chưa lần nào liên hệ và làm việc để vận chuyển ba cây đa sộp đi nơi khác. Tài sản này thuộc sở hữu cá nhân. Trong trường hợp chủ cây không vận chuyển, không lấy lại ba cây đa sộp, UBND thị xã không phải là nơi có thẩm quyền giải quyết”.
Còn theo lãnh đạo Đội kiểm lâm cơ động – Phòng cháy chữa cháy rừng số 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế, câu chuyện về ba cây đa này đơn vị đã xử lý xong mọi chuyện, không còn trách nhiệm gì, không tác động gì được. Chủ cây đem về Hà Nội hay để lại ở nhà bà Lan là tùy.
“Việc của mình là xanh”
Tiếp xúc với PV, bà Lan tỏ ra ân hận và rất lo sợ về việc những cổ thụ “khủng” có nguy cơ gây sập nhà bà bất cứ lúc nào. “Từ đó đến nay, cả nhà tôi luôn sống trong sợ hãi”, bà Lan nói.
Gia đình bà Lan “ân hận” vì cây vừa choán đất lại nguy hiểm |
“Đây là những cây thân rỗng, ngoài ra họ chỉ trồng tạm nên cây sẽ dễ bị đổ gãy thân cành. Ban đầu, vì thông cảm cho việc họ chở cây đi không được do trái Luật Giao thông đường bộ, để cây nằm lâu ngày trên xe tải thì không xong, sợ cây “chết oan”. Vì thế hai năm trước tôi mới mủi lòng cho anh Chương mượn đất để gửi tạm ba cây này. Tưởng một hoặc hai tháng là chuyển đi thôi, ai ngờ…”, bà Lan lắc đầu.
Chủ đất cho biết thêm, lúc chủ cây mượn đất, có đưa cho bà 5 triệu đồng là tiền đền bù phá hàng rào thép B40 của gia đình để đưa cây vào. “Từ đó đến nay tôi không nhận thêm đồng nào cả. Ngoài ra, đáng lẽ theo dự kiến vào tháng 6/2018, con gái thứ hai của bà sẽ làm nhà trên mảnh đất này, nhưng kế hoạch đó bị đổ vỡ hoàn toàn vì chủ cây không quay lại nhận và di chuyển ba “cụ cây khủng” đi nơi khác”, bà Lan nói.
Bà Lan tiếp tục than thở: “Mùa hè vừa qua, thời tiết oi bức, nắng hạn kéo dài. Sợ cây chết nên tôi phải vay cả chục triệu khoan giếng để tưới cho ba cây “khủng” này. Thế nhưng sau đó chồng tôi liên lạc qua số điện thoại mà anh Chương cung cấp trước đó lại không đổ chuông... Chính quyền thì nói không có trách nhiệm, “của nợ” này khiến tôi thật sự đau đầu”.
Bà Lan khoan giếng để hàng ngày có nước tưới cho ba “cụ cây” |
Chị Phạm Thị Thanh Trúc (43 tuổi) tiếp lời mẹ: “Hè vừa rồi, có một “cụ” đa bị cháy. May vợ chồng tôi phát hiện kịp, liền dập lửa chứ không thì cháy luôn cả nhà rồi vì xung quanh đây toàn dây điện. Cây này hiện trên ngọn đã mục, rất dễ rơi xuống phía dưới, đè lên nhà cửa hoặc thình lình rơi trúng người đi qua lại. Tóm lại ba cây này choán đất, ngoài ra còn khiến gia đình nơm nớp lo sợ. Chủ cây cũng chưa xử lý được, gia đình không còn kiên nhẫn nữa, nhưng biết làm sao bây giờ?”.
Trao đổi với PLVN qua điện thoại, anh Kiều Văn Chương lại cho rằng thông tin không hoàn toàn đúng như lời bà Lan nói. Anh cho biết trước Tết hơn một tháng có vào Huế kiểm tra và anh không hề “bỏ rơi” cây, dù anh không nói gây phiền hà cho gia đình bà Lan như vậy, anh có bù đắp lại những thiệt thòi ấy như thế nào không.
Anh cho rằng dự kiến ba “cụ” đa sẽ được đưa ra chùa Ngọc, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Số điện thoại trước đây của chủ cây này đã bị khóa nhưng đổi số mới, anh vẫn giữ liên lạc với con rể bà Lan. “Chắc chắn tôi sẽ di chuyển ba cây này ra Bắc nhưng hiện chúng tôi vẫn chưa được cấp giấy phép vận chuyển, giờ vận chuyển thì lại sợ bị lỗi quá khổ, quá tải. Còn công chăm sóc, bảo vệ cây, tôi sẽ có trách nhiệm với bà Lan”, chủ cây nói.
Còn một chi tiết thú vị nữa trong câu chuyện. Sau khi chứng kiến “cụ” đa sộp bất ngờ bị cháy phần ngọn vào hè năm 2018, sau khi được “cắm tạm” xuống đất Huế ít ngày, người con rể trưởng của bà Lan cho rằng anh ăn chay từ đó đến nay. Và cứ ngày rằm, mùng một, anh lại lo nhang khói cho ba “cụ” đa sộp.
Về phía những cây đa, bất chấp những tính toán dự định của các bên, cây vẫn ngày một xum xuê xanh tốt, như khẳng định “việc của mình là xanh”.
Dù ngày 5/6/2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã giao cho Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện phương án vận chuyển ba cây cổ thụ để lại ven đường này, nhưng đến nay ba cây vẫn chưa được mang đi vì còn “vướng mắc pháp lý” như lời anh Chương nói.