Sức hút của trường tư thục, quốc tế

 Ảnh minh họa. (Nguồn Internet )
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet )
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mong muốn các con được học trong môi trường giáo dục hiện đại và phù hợp nhu cầu, nhiều phụ huynh không ngại ngần chi hàng trăm triệu cho con theo học ở các ngôi trường ngoài công lập.

Kỳ vọng giảm áp lực

Chị Nguyễn Ngọc Anh (46 tuổi, hiện đang sinh sống ở Hà Nội) chia sẻ, con chị đang học tại một trường phổ thông liên cấp. Việc lựa chọn trường cho con đã được vợ chồng chị bàn bạc kĩ lưỡng trước khi ra quyết định: “Sau khi chứng kiến cảnh cháu đầu ôn thi vào lớp 10 quá vất vả, chúng tôi quyết định cho cháu thứ hai vào trường tư để giảm áp lực học tập. “Vì là trường phổ thông liên cấp, gia đình hướng cho cháu học lên cấp II, cấp III luôn tại đây, để không phải đối diện với “gánh nặng” từ những kỳ thi”, chị Ngọc Anh nói.

Chị Phương Dung (43 tuổi, sinh sống tại Hà Nội) cho biết, chị có hai con trai, đều đang trong độ tuổi đi học. Cháu đầu tiên, chị cho theo học trường công lập từ năm cấp I cho đến hết cấp II, rồi chuyển vào trường quốc tế. Đến cháu thứ hai, chị cho con theo học trường quốc tế ngay từ đầu. “Cơ sở vật chất ở các trường quốc tế tốt hơn, con tôi lại được dạy nhiều kiến thức, kỹ năng phù hợp với nhu cầu. Đặc biệt, tại đây, cháu không còn chịu áp lực ganh đua thành tích với các bạn trong lớp”, chị nói. Sau khi tan học, thay vì phải đi học thêm, con chị sẽ tham gia các câu lạc bộ trong trường hoặc đăng ký những môn như bơi lội, vẽ, nhảy hip hop.

Hiện nay, các phụ huynh không chỉ chú ý đến việc học của học sinh mà quan tâm cả đời sống tinh thần của con. Theo một kết quả thống kê trên 74 trường THPT, 34 trường THCS, 8 trường tiểu học và 34 cơ sở giáo dục khác tại TP HCM cũng cho thấy có trên 50% học sinh cảm thấy không có động lực học tập, hơn 30% cảm thấy stress, áp lực do học tập. Đặc biệt cũng không ít học sinh từng nghĩ đến tự tử bởi cảm thấy quá áp lực từ gia đình.

Đối với phụ huynh, việc học tập bây giờ phải gắn liền với hoạt động vui chơi, giải trí. Ngoài ra, các gia đình đều mong muốn, học sinh sẽ phát triển đồng đều cả kiến thức và kỹ năng xã hội. Một số phụ huynh cho rằng các trường tư đang làm tốt hơn hệ thống trường học công lập nên hiện nay nhiều trường tư, trường quốc tế đang có sức hút đối với phụ huynh và học sinh.

Phụ huynh “mạnh tay” chi cả trăm triệu

Chị Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ, chi phí một tháng của con ở trường phổ thông liên cấp lên đến gần mười triệu đồng. Tuy nhiên, chị cho rằng số tiền đó như vậy rất phù hợp khi cháu thường được nhà trường cho tham gia rất nhiều hoạt động, dạy kỹ năng sống bên cạnh việc học. “Ngoài việc học ở trên trường, cháu còn thường xuyên được đi bảo tàng, đến các vườn sinh thái. Mỗi ngày, cháu sẽ tham gia các lớp học yoga, học bơi, luyện đọc sách”, chị kể. Điều làm chị Ngọc Anh hạnh phúc nhất là khi nghỉ Tết, con muốn nhanh chóng quay trở lại trường, chứ không mang nỗi “ám ảnh” sợ đi học như một số bạn bè cùng trang lứa.

Chị Phương Dung cho biết, mức chi phí cho một năm ở trường quốc tế rơi vào khoảng 300 triệu. Tuy nhiên, gia đình chị sẵn sàng đầu tư, vì ở trong trường, con được học với các thầy cô nước ngoài: “Hơn nữa, cháu còn được tự do sáng tạo trong các môn học, làm thí nghiệm, thực hành với các máy móc hiện đại. Thậm chí, cháu được thầy cô tạo điều kiện tranh luận, để có cái nhìn đa chiều về các vấn đề”. Chị cho rằng đây là điều chị không thể có được khi đi học nên muốn con có môi trường để phát triển năng lực tốt nhất.

Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy đầu tư giáo dục ngày càng được chú trọng hơn qua các năm. Năm 2020, trung bình các hộ dân cư chi hơn 7,0 triệu đồng cho một thành viên đang đi học, tăng khoảng 7,0% so với năm 2018. Ở thành thị, các hộ chi 10,7 triệu đồng cho một thành viên đi học, cao gấp 2,1 lần so với mức chi ở nông thôn. Thậm chí nhóm hộ có mức thu nhập cao nhất chi hơn 15,4 triệu đồng/người/12 tháng, tăng 4,7% so với năm 2018 và gấp 6,2 lần so với nhóm hộ có mức thu nhập thấp nhất (2,5 triệu đồng/người/12 tháng).

Mức học phí của trường tư thường dao động từ 1 triệu cho đến 5 hoặc 6 triệu đồng/tháng tùy thuộc vào chất lượng của trường. Nhưng thực tế, phụ huynh phải mất khoảng 10 triệu đồng/tháng cho con mình. Ngoài tiền học phí, phụ huynh phải lo tiền ăn trưa, bán trú, tham gia hoạt động ngoại khóa và xe cộ đưa đón. Với mức thu nhập bình quân 6, 7 triệu đồng/tháng của người lao động Việt Nam, những gia đình có điều kiện mới đầu tư để con được học ở môi trường ngoài công lập.

Ưu điểm của các trường tư được cho là nhờ vào những mặt nổi trội như giảm áp lực học tập cho học sinh, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại. Tuy nhiên, hiện có nhiều trường học đang làm quá, “thổi phồng” lên “ưu việt” của mình, dẫn đến cảnh nhiều phụ huynh phải tranh giành từng suất học cho con.

Mới đây, các phụ huynh phải xếp hàng chật kín cổng suốt cả đêm để chờ nộp hồ sơ, đăng ký cho con vào tiểu học tại một trường tư ở Hà Nội. Trường có hai cơ sở, mỗi nơi sẽ phát 360 bộ hồ sơ. Học sinh muốn được trúng tuyển phải trải qua một buổi học thử ba môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh để nhà trường đánh giá sự tập trung, hợp tác với giáo viên và năng khiếu. Tuy có nhiều thủ tục như vậy, nhưng rất nhiều phụ huynh vẫn sẵn sàng đến từ lúc 0h đêm, hy vọng con có cơ hội đỗ vào trường.

Hay một trường tư khác khá nổi tiếng ở Hà Nội, đã có cách tuyển sinh vô cùng khắt khe với những em ở cấp bậc tiểu học. Tỷ lệ chọi của trường là 1 chọi 16 - 20 em học sinh, ngang bằng với các trường THPT chuyên ở Hà Nội. Không chỉ tỷ lệ chọi cao, kiến thức thi cũng rất khó, với môn Tiếng Anh các em học sinh phải đạt điểm A hoặc A+ cho các bài kiểm tra chuẩn khung chương trình Cambridge. Còn hai môn Toán và Tiếng Việt, trường yêu cầu các em phải làm bài kiểm tra IQ, logic, kể chuyện, tập viết, thuyết trình… Muốn con đỗ vào trường, phụ huynh không những cần có tài chính tốt mà phải cho con đi học thêm ngay từ khi bốn, năm tuổi.

Dù biết rằng phụ huynh nào cũng mong muốn con cái được học ở những môi trường tốt nhất trong khả năng nhưng các bậc cha mẹ nên cân nhắc thật kỹ, để lựa chọn ngôi trường phù hợp với điều kiện kinh tế, nhu cầu và tâm lý của gia đình. Tránh quan trọng hóa việc chọn trường, gây áp lực cho chính bản thân và các em khi mỗi mùa tuyển sinh đến gần.

Đọc thêm

Nuôi dưỡng tình yêu sách thời mạng xã hội

Người trẻ vẫn chọn đọc sách, yêu sách giữa thời buổi mạng xã hội lên ngôi. (Nguồn: Tạp chí công dân & khuyến học)
(PLVN) - Giờ đây, mạng xã hội lên ngôi với biết bao điều hay ho, hấp dẫn. Thế nhưng, tình yêu sách vẫn luôn là dòng chảy âm thầm mà bền bỉ, được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ. Để rồi, thế giới số bao la không thể làm lu mờ sức hút của sách, mà còn là công cụ để vun đắp thêm lòng say mê với sách, với việc đọc.

Nhiều điểm mới trong chương trình 'Tiếp sức mùa thi' năm 2024

Buổi gặp mặt báo chí, triển khai Chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024 được tổ chức sáng (16/4), tại Hà Nội.
(PLVN) - Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm nay triển khai nhiều nội dung và hình thức mới: mở sớm tổng đài tư vấn tâm lý, tổ chức hành trình tiếp sức tinh thần tại các điểm trường trên cả nước, tập trung hướng đến hỗ trợ các thí sinh thi vào lớp 10, thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực và học sinh có nguyện vọng du học ở nước ngoài...

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?