Với đặc thù của huyện miền núi, việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế hàng năm của Tuyên Hóa luôn gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa trong bối cảnh kinh tế của tỉnh và huyện còn nhiều biến động, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và diễn biến phức tạp của thời tiết đã tác động nặng nề đến sự tăng trưởng kinh tế của toàn huyện.
Tuy nhiên, được sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn, huyện Tuyên Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế.
Trong năm huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững: duy trì diện tích nuôi cá ao hồ và nuôi cá lồng trên sông; kích cầu, tăng sức tiêu thụ hàng hóa tại địa phương; chú trọng cho vay trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu lao động, giảm nghèo; tạo môi trường thuận lợi thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu...
Riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, những năm gần đây, huyện tích cực triển khai nhiều giải pháp quan trọng như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ giới hóa, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng tối đa các tiềm năng lợi thế của địa phương; kết nối sản xuất nông nghiệp với chế biến, bảo quản, tiêu thụ theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm…, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Điều đáng ghi nhận ở Tuyên Hóa là phong trào xây dựng nông thôn mới được cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo quyết liệt, không chạy theo thành tích, nhưng lại đi đúng lộ trình hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Trong năm, huyện đã tích cực chỉ đạo lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực xã hội để hoàn thành các tiêu chí theo kế hoạch, đến nay toàn huyện có 280 tiêu chí đạt chuẩn, bình quân đạt 15,55 tiêu chí/xã. Hiện nay huyện tập trung chỉ đạo xã Thuận Hóa, Đức Hóa rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí để đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2020.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện đã hướng dẫn đăng ký, lựa chọn ý tưởng, xây dựng hồ sơ, triển khai đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện. Đồng thời, xây dựng hồ sơ 03 sản phẩm để tham gia dự thi sản phẩm OCOP năm 2020 gồm: Măng khô Mã Liềng xã Lâm Hóa, gạo sạch xã Châu Hóa, Lạc sấy khô xã Cao Quảng.
Bên cạnh đó, các sản phẩm chủ lực của huyện tiếp tục được triển khai nhân rộng. Đặc biệt là thương hiệu mật ong Tuyên Hóa dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường và mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ngoài ra, Tuyên Hóa cũng đã hoàn thiện hồ sơ thực hiện quy trình xây dựng thương hiệu, “Gà đồi Tuyên Hóa".
Mật ong Tuyên Hóa dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
Trong thời gian tới, huyện Tuyên Hóa tiếp tục lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án và phát huy nội lực vốn có để từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là những xã đặc biệt khó khăn; tìm giải pháp mang tính đột phá để từng bước đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ….
Bên cạnh đó, các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa-xã hội được thực hiện tốt, đạt chỉ tiêu đề ra, gắn kết hài hòa giữa nâng cao chất lượng đời sống tinh thần với phát triển kinh tế, kết hợp đầu tư phát triển với bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội.
Công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm thực hiện. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và hoàn thiện; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư nâng cấp, nhiều kỹ thuật tiên tiến và hiện đại được áp dụng, đạt hiệu quả cao trong chẩn đoán và điều trị. Chất lượng đội ngũ y, bác sĩ được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Mặc dù còn một số khó khăn nhất định, nhưng những kết quả trong 6 tháng đầu năm 2020 đã tạo tiền đề quan trọng để huyện Tuyên Hóa phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm 2020, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.
Trên cơ sở những mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra từ đầu năm 2020, huyện Tuyên Hóa tiếp tục duy trì và phát triển các ngành nghề hiện có, đồng thời, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các ngành nghề có tiềm năng như; trồng rừng đi đôi với khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ môi trường; phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với trang trại, gia trại.
Theo đó, huyện Tuyên Hóa tiếp tục kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản, trồng và chế biến dược liệu, sản xuất vật liệu xây dựng. Đặc biệt, huyện triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ có tiềm năng, lợi thế của huyện nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng, từng bước đưa huyện nhà vươn xa trên con đường đổi mới và hội nhập.