Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh (thay thế cho Nghị quyết 54/2017/QH14), TP Hồ Chí Minh bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện, tạo tiền đề cho TP bước sang một giai đoạn phát triển mới, trở thành hạt nhân tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và cả nước; hiện thực hóa khát vọng “hóa Rồng” của TP mang tên Bác.
Nhân dịp năm mới 2024, Báo Pháp luật Việt Nam trao đổi với đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này:
Xóa nhiều “điểm nghẽn” trong đầu tư
Ngày 24/06/2023, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Đồng chí có thể cho biết, Nghị quyết đã giúp TP Hồ Chí Minh tháo gỡ những vướng mắc gì?
- Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP đã khép lại một thời kỳ thí điểm. Qua tổng kết cho thấy, việc thực hiện những chính sách đặc thù mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, các chính sách hiện hành chỉ tương tự như các địa phương có cơ chế đặc thù. Phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách còn chừng mực, dập khuôn, chưa tạo sức nặng đột phá.
Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, gánh trọng trách cao nhất trong điều tiết số thu ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc có chính sách vượt trội tạo bước đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố là cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Thành phố mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Nghị quyết 98 được thông qua lần này đã từng bước giúp cho TP Hồ Chí Minh giải quyết được rất nhiều “điểm nghẽn”, đặc biệt là về đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách, về đô thị, khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành của TP Thủ Đức...
Đồng chí Phan Văn Mãi tiếp đoàn Cơ quan Quy hoạch vùng Paris. (Ảnh: Thảo An). |
Xin đồng chí cho biết những điểm sáng mà TP Hồ Chí Minh đã triển khai, thực hiện được trong thời gian vừa qua?
- Dù mới triển khai được 6 tháng (tính đến tháng 01/2024) và còn nhiều khó khăn nhưng cả hệ thống chính trị Thành phố đã nỗ lực thực hiện với tâm thế phấn khởi, bước đầu đạt được một số kết quả khả quan. Cụ thể như công tác quán triệt, cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 98 được tập trung chỉ đạo và triển khai quyết liệt ở tất cả các cấp. TP Hồ Chí Minh đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban điều hành, Tổ giúp việc, Hội đồng tư vấn và củng cố nhân sự một số vị trí để triển khai Nghị quyết 98 ngay từ sớm.
Ngoài ra, Thành phố đã phối hợp với Bộ, ngành hoàn thiện dự thảo các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 98. HĐND Thành phố cũng đã tổ chức 04 kỳ họp (tính cả kỳ họp tháng 12/2023), ban hành 21 cơ chế thuộc thẩm quyền và một số Nghị quyết nhằm giúp cho TP Thủ Đức từng bước hoàn thiện bộ máy, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Đặc biệt, một số cơ chế, chính sách đã thực thi hiệu quả như bố trí vốn hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm (đã bố trí 2.796 tỷ đồng, giải ngân 1.560 tỷ đồng); điều chỉnh chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết 98 với mức không vượt quá 0,8 lần tổng quỹ lương cơ bản, có mở rộng một số đối tượng thụ hưởng so với trước đây; tăng số lượng phó chủ tịch cho 3 quận, TP Thủ Đức và 52 phường/xã...
TP Hồ Chí Minh ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển với TP New York. (Ảnh: Thảo An). |
Xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước
Trong khoảng thời gian 5-10 năm tới, với việc triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 98 của Quốc hội, đồng chí đánh giá TP Hồ Chí Minh sẽ có những thay đổi như thế nào để xứng đáng với vị trí đầu tàu của cả nước về kinh tế - văn hóa - xã hội?
- Thành phố sẽ khai thác tốt Quỹ phát triển hạ tầng Vùng Đông Nam bộ để thúc đẩy các dự án hạ tầng xuyên vùng, giúp hạ tầng giao thông giữa TP với các địa phương khác mạch lạc, thông suốt, nhất là các tuyến cao tốc, đường vành đai 3, vành đai 4, tuyến đường sắt đô thị, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ…
Thành phố đang tập trung triển khai 5 dự án đầu tư xây dựng nâng cấp mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng hợp đồng BOT; rà soát các dự án treo, quy hoạch treo như dự án Bình Quới - Thanh Đa, vành đai 2 và một số dự án giao thông đã khởi công 10-20 năm nhưng bị ngưng vì nhiều vướng mắc để tiếp tục tháo gỡ. Những dự án này khi hoàn thành sẽ là điểm nhấn tạo ra sự thay đổi, phát triển đáng kể cho hạ tầng Thành phố. Đời sống của người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn… được cải thiện đáng kể khi Thành phố áp dụng mức chuẩn nghèo đặc thù cao hơn mức chuẩn nghèo quốc gia và được vay vốn từ chương trình cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm.
Thông qua kết quả các chuyến công tác thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhiều quốc gia, Thành phố sẽ đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến với Thành phố, xúc tiến đầu tư nhiều lĩnh vực về năng lượng, hạ tầng, công nghệ cao, công nghệ thông tin, tài chính, đổi mới sáng tạo.
Thành phố cũng vận dụng và phát huy triệt để lợi thế từ Nghị quyết 98 để trong 10 năm tới, TP Hồ Chí Minh sẽ trở lại quỹ đạo phát triển với tư cách là đầu tàu kinh tế của cả nước, tạo nền tảng để sau năm 2035, kinh tế Thành phố có sự tăng trưởng cao, GRDP ở 2 con số.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.
“Một số cơ chế, chính sách đã được TP Hồ Chí Minh thực thi hiệu quả như bố trí vốn hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm; điều chỉnh chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết 98 với mức không vượt quá 0,8 lần tổng quỹ lương cơ bản, có mở rộng một số đối tượng thụ hưởng so với trước đây…”.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi