Dịch chuyển sang năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu
Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã mở ra một cánh cửa phát triển năng lượng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đây cũng là tiền đề quan trọng để xây dựng Quy hoạch Điện 8.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi để đưa ra định hướng phát triển về nguồn năng lượng, tuy nhiên sẽ không đạt được tối đa nguồn năng lượng nếu không có tư nhân tham gia.
Do đó, bà hy vọng Luật Đầu tư đối tác công tư sẽ tạo điều kiện tư nhân tham gia và phát triển năng lượng, để chuyển dịch phát triển năng lượng bền vững. Bà cũng cho biết, theo khảo sát của cơ quan UNDP, hiện đang có nguồn vốn khoảng 14-15 tỷ USD từ các ngân hàng sẵn sàng đầu tư vào năng lượng tái tạo (NLTT).
Đại diện Đại sứ quán (ĐSQ) Anh tại Việt Nam khẳng định, toàn cầu cần thúc đẩy các dự án NLTT, giảm phát thải. Nhiều quốc gia đang đầu tư vào công nghệ để chuyển sang NLTT. Chi phí có thể cao hơn nhưng theo nghiên cứu 1 USD đầu tư cho NLTT có thể mang lại 3-8 USD trong các lĩnh vực khác. Vị này cũng cho biết, tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam không thua kém gì nước Anh. Do đó, cần phải nhanh chóng để giảm việc phụ thuộc vào các nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch.
“Chi phí đầu tư vào điện gió giảm khá nhanh do đó giá điện gió tại Anh cũng giảm theo với tốc độ nhanh hơn. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế phát triển công nghệ và chính sách của nhà nước. Ở nước Anh, đã sang tháng thứ 4 chúng tôi không phải dùng nguồn điện than”, vị đại diện ĐSQ Anh chia sẻ. Đại diện ĐSQ Phần Lan cũng bật mí, theo kế hoạch, đến năm 2029 Phần Lan sẽ không sử dụng các nhà máy đốt than để phát điện nữa.
Ông Phạm Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, chính nhờ phát triển nguồn điện NLTT mà Ninh Thuận từ một tỉnh Trung ương phải hỗ trợ ngân sách đến 60% thì nay, ngân sách của tỉnh đã tăng gấp đôi, GDP năm 2019 tăng 13,8%, 6 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng vẫn đạt 8,4%.
Do đó, ông Hợp kiến nghị, cần phải tập trung khai thác lợi thế vùng để Ninh Thuận phát triển hơn; Đồng thời tích hợp toàn bộ tiềm năng nguồn NLTT của tỉnh vào tổng sơ đồ Điện 8. Đặc biệt cần có hỗ trợ chính sách cho tư nhân hóa hệ thống truyền tải bởi hiện nay, còn nhiều vướng mắc khi tư nhân tham gia đầu tư phát triển lưới điện.
Theo ông Hợp, phải quy định cụ thể để tư nhân có thể tham gia đưa điện từ nguồn lên lưới điện quốc gia hợp lý và nhanh chóng.
Sẽ tạo hành lang pháp lý để thu hút tư nhân
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện quy mô lưới điện Việt Nam vào khoảng hơn 51.000 km đường dây, đứng số 1 Đông Nam Á. Sau khi Nghị quyết 55 về phát triển năng lượng được ban hành, EVN đã xây dựng kế hoạch xây dựng hệ thống truyền tải đồng bộ với khu vực trung tâm NLTT.
“EVN sẽ phối hợp với Trung Nam và một số dự án khác, dự kiến, cuối năm 2020 sẽ giải tỏa hết công suất của các nguồn NLTTở Ninh Thuận, Bình Thuận. Hiện Tập đoàn cũng đang nghiên cứu xây dựng các nhà máy điện tích năng ngay tại các trung tâm NLTT để đảm bảo tích trữ các nguồn NLTT, có thể phát điện vào buổi tối, đảm bảo sử dụng tối ưu nguồn NLTT”, ông Thành chia sẻ.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam Group cho rằng, việc Trung Nam tham gia xây dựng đường dây 500 kV mới chỉ là một phần rất nhỏ trong câu chuyện tham gia vào hệ thống truyền tải quốc gia.
Theo ông Tiến, cần xóa bỏ độc quyền để phát triển nhanh hệ thống truyền tải mới giúp cho tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn. Ví như việc xây dựng trạm và đường dây 500 kV, tư nhân chỉ mất 6-8 tháng để thực hiện xong trong khi nếu là EVN thì không thể làm nhanh như thế vì EVN phải làm theo rất nhiều quy trình và đơn giá đã được quy định, do đó, phải mất vài năm mới có thể xong đường dây.
“Nghị quyết 55 như một đòn bẩy, điểm bẩy chính là hành lang pháp lý. Tuy nhiên, chúng tôi không thể bẩy nếu không có điểm tựa để bẩy” - ông Tiến nói.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, Nghị quyết 55 đề ra các định hướng xóa bỏ những rào cản, tạo thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia phát triển lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam. Nghị quyết cũng xác định rất rõ chiến lược phát triển bền vững năng lượng quốc gia thời gian tới là tập trung phát triển các nguồn năng lượng đa dạng, phù hợp, đồng thời tiếp tục ưu tiên NLTT.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ xem xét, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giải thích và làm rõ một số quy định tại một số Luật chuyên ngành nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng để thu hút tiềm năng rất lớn của khu vực tư nhân tham gia đầu tư mạnh mẽ hơn vào những lĩnh vực khác nhau của hệ thống năng lượng quốc gia, đặc biệt là đầu tư vào phát triển hệ thống điện.