Sửa đổi quy định sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Sửa đổi quy định sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
(PLVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động (NLĐ) nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Sửa một số quy định liên quan di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp

Nghị định 70/2023/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung các khái niệm chuyên gia, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật.

Theo đó, chuyên gia là NLĐ nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau: Tốt nghiệp đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà NLĐ nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam. So với Nghị định 152/2020/NĐ-CP, bỏ không còn quy định bằng đại học đúng chuyên ngành dự kiến làm việc.

Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc mà NLĐ nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam. Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ LĐ-TB&XH.

Giám đốc điều hành là người thuộc một trong các trường hợp: Là người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Người đứng đầu và trực tiếp điều hành ít nhất một lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Đối với lao động kỹ thuật là NLĐ nước ngoài phải là lao động được đào tạo ít nhất 1 năm và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm phù hợp với vị trí công việc mà NLĐ nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam. Bỏ quy định đúng chuyên ngành được đào tạo theo quy định tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP.

Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm công việc phù hợp với vị trí công việc mà NLĐ nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.

Đáng chú ý, Nghị định 70/2023/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung quy định về sử dụng NLĐ nước ngoài. Cụ thể, về xác định nhu cầu sử dụng NLĐ nước ngoài, Nghị định 70/2023/NĐ-CP quy định: trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng NLĐ nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng NLĐ nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà NLĐ Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Bộ LĐ-TB&XH hoặc Sở LĐ-TB&XH nơi NLĐ nước ngoài dự kiến làm việc.

Trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu sử dụng NLĐ nước ngoài về vị trí, chức danh công việc, hình thức làm việc, số lượng, địa điểm thì người sử dụng lao động phải báo cáo Bộ LĐ-TB&XH hoặc Sở LĐ-TB&XH trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng NLĐ nước ngoài.

Trường hợp NLĐ nước ngoài quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 8 Điều 154 của Bộ luật Lao động và các khoản 1, 2, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 Điều 7 Nghị định này thì người sử dụng lao động không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng NLĐ nước ngoài.

Cũng theo Nghị định 70/2023/NĐ-CP, kể từ ngày 1/1/2024, việc thông báo tuyển dụng NLĐ Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng NLĐ nước ngoài được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Bộ LĐ-TB&XH (Cục Việc làm) hoặc Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập trong thời gian ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến báo cáo giải trình với Bộ LĐ-TB&XH hoặc Sở LĐ-TB&XH nơi NLĐ nước ngoài dự kiến làm việc.

Nội dung thông báo tuyển dụng bao gồm: vị trí và chức danh công việc, mô tả công việc, số lượng, yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm, mức lương, thời gian và địa điểm làm việc. Sau khi không tuyển được NLĐ Việt Nam vào các vị trí tuyển dụng NLĐ nước ngoài, người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng NLĐ nước ngoài theo quy định.

Bộ LĐ-TB&XH hoặc Sở LĐ-TB&XH có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận về việc sử dụng NLĐ nước ngoài đối với từng vị trí công việc trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng NLĐ nước ngoài.

Bổ sung báo cáo sử dụng người lao động nước ngoài

Bên cạnh đó, Nghị định 70/2023/NĐ-CP đã bổ sung thêm quy định về báo cáo sử dụng NLĐ nước ngoài.

Theo đó, trước ngày 5/7 và ngày 5/1 của năm sau, người sử dụng lao động nước ngoài báo cáo 6 tháng đầu năm và hàng năm về tình hình sử dụng NLĐ nước ngoài. Thời gian chốt số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm được tính từ ngày 15/12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/6 của kỳ báo cáo, thời gian chốt số liệu báo hằng năm tính từ ngày 15/12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/12 của kỳ báo cáo.

Trước ngày 15/7 và ngày 15/1 của năm sau hoặc đột xuất theo yêu cầu, Sở LĐ-TB&XH có trách nhiệm báo cáo Bộ LĐ-TB&XH về tình hình NLĐ nước ngoài làm việc trên địa bàn. Thời gian chốt số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm và hằng năm thực hiện theo quy định của Chính phủ về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước.

Nghị định 70/2023/NĐ-CP bổ sung thêm quy định, trường hợp NLĐ nước ngoài làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày NLĐ nước ngoài bắt đầu làm việc, người sử dụng lao động phải báo cáo qua môi trường điện tử về Bộ LĐ-TB&XH và Sở LĐ-TB&XH nơi NLĐ nước ngoài đến làm việc.

Đọc thêm

Nhiều điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo

Ảnh minh họa
(PLVN) - Tăng lương, tăng phụ cấp, giảm tuổi nghỉ hưu, chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo... là một số điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 15.

Phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư cao nhất là 5.200 đồng/xe.km

Phí sử dụng đường bộ cao tốc từ 900 đồng/xe.km đến 5.200 đồng/xe.km. (Ảnh: Hồng Thương)
(PLVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 130/2024/NĐ-CP quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.Theo đó, có 5 nhóm đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, với mức thu thấp nhất 900 đồng/xe.km và cao nhất là 5.200 đồng/xe.km.

Quy định mới về giám sát trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Từ ngày 15/11/2024, bỏ quy định giám sát CSGT bằng thiết bị ghi âm, ghi hình. (Ảnh: Hồng Thương)
(PLVN) - Bộ Công an đã ban hành Thông tư 46/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong đó sửa đổi, bổ sung quy định hình thức giám sát của Nhân dân trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.