Từ những bất cập, hạn chế về bảo vệ môi trường hiện nay, Thạc sỹ Hoàng Minh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã đưa ra một số đề xuất để sủa đổi Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2005.
Thứ nhất, Việc xây dựng và điều chỉnh Luật BVMT 2005 (sửa đổi) cần được xác định theo hai hướng: Sửa đổi, bổ sung các văn bản hiện hành để khắc phục tính thiếu nhất quán, không cụ thể, không rõ trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực BVMT; Ban hành văn bản mới để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực BVMT cho đến nay chưa điều chỉnh hoặc mới phát sinh.
Thứ hai, phải giải quyết triệt để vấn đề xác định phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh của Luật BVMT.
Thứ ba, sửa đổi cơ bản Luật BVMT năm 2005 và các quy định liên quan đến môi trường trong các ngành luật khác.
Thứ tư, xây dựng cơ chế bảo đảm thực thi pháp luật và các thiết chế khác liên quan đến việc bảo đảm thực thi pháp luật về BVMT.
Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt là hợp tác quốc tế về pháp luật.
Để giải quyết các vấn đề trên, trước hết, cần đổi mới nhận thức về phương pháp tiếp cận, mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật. Hệ thống pháp luật về BVMT phải được tác động vào quá trình xã hội, nhận thức của các chủ thể trên cả 3 phương diện: Gìn giữ và BVMT thiên nhiên; Phòng ngừa và khắc phục sự cố cũng như phục hồi môi trường trong trường hợp môi trường bị xâm hại hoặc bị tàn phá, cải thiện chất lượng môi trường; Khai thác, sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên môi trường.
Tiếp đó, quy định bổ sung và cụ thể hơn về những vấn đề chung, như hoàn thiện các quy định về nguyên tắc BVMT; Quy định cụ thể chính sách của Nhà nước về BVMT dựa trên nguyên tắc BVMT. Quy định cụ thể về công tác tuyên truyền, giáo dục và phương thức thực hiện tuyên truyền, giáo dục pháp luật về BVMT...
Ở phương diện gìn giữ và bảo vệ môi trường, cần bổ sung các quy định nhằm luật hoá vấn đề biến đổi khí hậu…; Bổ sung và hoàn thiện các quy định về quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực môi trường; Bổ sung và hoàn thiện các quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết BVMT; Bổ sung và hoàn thiện các quy định về BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, môi trường khu đô thị và khu dân cư, BVMT biển, nước sông và các nguồn nước khác. Đặc biệt, cần bổ sung các quy định về BVMT các lưu vực sông, các làng nghề, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, môi trường ở các vùng nông thôn, miền núi và hải đảo..
Ở phương diện phòng ngừa và khắc phục sự cố, phục hồi môi trường trong trường hợp môi trường bị xâm hại hoặc bị tàn phá và cải thiện chất lượng môi trường, các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này cần được thiết kế bao quát các vấn đề như: Nguyên tắc cơ bản trong phòng ngừa và khắc phục sự cố, phục hồi môi trường trong trường hợp môi trường bị xâm hại hoặc bị tàn phá và cải thiện chất lượng môi trường; Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trách nhiệm của các chủ thể khác trong xã hội đối với việc thực hiện phòng ngừa và khắc phục sự cố, phục hồi môi trường; Bổ sung và hoàn thiện các quy định về kiểm soát ô nhiễm và quản lý các loại chất thải, khí thải...
Ở phương diện khai thác, sử dụng tài nguyên môi trường, ngoài việc bổ sung và hoàn thiện các quy định về bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, cần quan tâm đến tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật BVMT và các đạo luật về tài nguyên. Bổ sung và hoàn thiện các quy định trong nội dung quản lý nhà nước về BVMT. Cụ thể, cần có các quy định để điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ TNMT cũng như các bộ, ngành có liên quan. Quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ TNMT cũng như các Sở TNMT ở địa phương.
Các quy định về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cần phải được bổ sung và hoàn thiện nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho lực lượng thanh tra chuyên ngành có thể chủ động và linh hoạt trong công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của việc chấp hành pháp luật, thực thi các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác BVMT trên phạm vi toàn quốc. Những yêu cầu này còn liên quan đến một số lĩnh vực pháp luật chuyên ngành như pháp luật thanh tra, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự...
Bổ sung các quy định về sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế, nhằm tăng cường nguồn lực cho công tác BVMT. Trước hết, cần bổ sung các quy định về việc sử dụng các định chế tài chính - tín dụng môi trường trong công tác bảo vệ môi trường....
Cần quy định các biện pháp để đẩy mạnh hơn nữa công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt là hợp tác quốc tế về pháp luật. Cần có các quy định nhằm nội luật hoá các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, đồng thời, quy định rõ cơ chế bảo đảm thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế đó tại Việt Nam.
P.V