Khi sự việc bị kéo đi quá xa
Những thông tin trên mạng xã hội đăng tải cắt khúc, không trọn vẹn chương trình Tiếng Việt CNGD làm cho các bậc phụ huynh và dư luận hiểu lầm, lo lắng. Tại sao lại có vấn đề nhìn ô vuông đọc thành chữ, còn nhìn chữ thì lại không biết? Đồng thời, đa phần mọi người đều cho rằng chương trình Tiếng Việt CNGD của GS Hồ Ngọc Đại là chương trình cải cách tiếng Việt giống theo kiểu của PGS Bùi Hiền. Ngoài ra, mọi người còn nghĩ tiếng Việt sẽ bị thay thế bởi các hình khối “vuông vuông, tròn tròn, tam giác”…
Tuy nhiên, trên thực tế thì ý tưởng cải cách tiếng Việt của PGS Bùi Hiền là làm thay đổi chữ viết tiếng Việt, viết theo một cách khác. Ngược lại, chương trình Tiếng Việt CNGD của GS Hồ Ngọc Đại chỉ thay đổi phương pháp tiếp cận cho học sinh dễ tiếp thu và cải thiện việc học chứ hoàn toàn không làm thay đổi chữ viết tiếng Việt. Tiếng Việt vẫn giữ được nét đẹp truyền thống vốn có của dân tộc. Việc quy chụp, đánh đồng 2 chương trình này lại với nhau thực sự là một sai lầm đáng tiếc trong cách nghĩ của dư luận.
Còn việc cho rằng chương trình này sẽ dùng các hình khối: vuông, tròn, tam giác để thay thế tiếng Việt thì lại càng sai lầm. Gần đây, mạng xã hội nổi lên trào lưu nhắn tin, bình luận hay đăng các dòng trạng thái theo kiểu “vuông vuông, tròn tròn, tam giác”, thậm chí hát những bài hát “tròn, vuông giác”...
Điều này chỉ là hình thức “tát nước theo mưa” càng gây thêm sự hiểu lầm trong dư luận. Thực tế cách hiểu này chỉ là sự suy diễn, quy chụp phiến diện khi chưa hiểu cặn kẽ vấn đề. Các hình vuông, hình tròn đó chỉ là một phương pháp giảng dạy để học sinh nhìn vào đọc và phân biệt số tiếng mà thôi chứ không thể nào thay thế tiếng Việt.
Học sinh lớp Một đọc theo kiểu “ô vuông, hình tròn” sẽ nhớ lâu hơn |
“Xem hết 1 tiết học của các em thì phụ huynh sẽ hiểu”
Ông Lê Thanh Long, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết, chương trình này đã được thành phố triển khai thực hiện từ năm học 2015 -2016 trên tinh thần tự nguyện của nhà trường, giáo viên và phụ huynh. Để được đứng lớp giảng dạy chương trình này, giáo viên đã được tổ chức tập huấn, hướng dẫn cặn kẽ, cụ thể.
“Qua thực tế các năm, nhận thấy giáo viên dạy tốt, học sinh đọc, viết được, chuẩn theo yêu cầu. Đến nay số lượng các trường áp dụng ngày một tăng lên”, ông Long chia sẻ. Đồng thời, theo ông Long, thời gian gần đây các đoạn clip đăng trên mạng xã hội về vấn đề Tiếng Việt CNGD rất dễ khiến cho mọi người hiểu lầm vì các đoạn clip đã bị cắt khúc, không thể hiện trọn vẹn chương trình dạy học này.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết, hiện mạng xã hội đang xôn xao những vấn đề phản ánh chưa đúng sự thật. “Nếu xem hết 1 tiết học của các em thì phụ huynh sẽ hiểu rõ hơn về chương trình này. Phương pháp dạy này là xâu chuỗi nhiều hoạt động. Các đoạn clip trên mạng chỉ cắt 1 đoạn, chỉ là một hoạt động trong 4 hoạt động của chương trình dạy nên xem rất bất hợp lý”, ông Hùng cho biết.
Theo đó, ông Hùng nhắn nhủ: “Trong quá trình triển khai, các cơ quan nên bình tĩnh. Phụ huynh học sinh có thắc mắc thì gặp nhà trường, cô giáo hay những phụ huynh có con em đã học theo chương trình này xem kết quả như thế nào. Đặc biệt, phải nhìn vào thực tế để xem xét, đánh giá”.
Người trong cuộc nói gì?
Để hiểu chương trình này đi vào thực tế giảng dạy như thế nào ở các trường, chúng tôi đã đến tìm hiểu tại Trường Tiểu học Ngô Quyền - một trong những trường điểm của TP Cần Thơ.
Cô Đinh Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền cho biết, trường đã áp dụng chương trình này từ năm học 2016 – 2017 và đã thực hiện đại trà trong 2 năm học. “Khi chuẩn bị đưa vào áp dụng, trường đã nghiên cứu, tham khảo rất kỹ ở các trường bạn và chuẩn bị rất kỹ công tác tập huấn chuyên sâu cho giáo viên”.
Đồng thời, cô Thảo còn cho biết, có rất nhiều phụ huynh thắc mắc về chương trình này lên gặp nhà trường và giáo viên hỏi và đã được hướng dẫn và giải thích thỏa đáng, vui vẻ ra về. Theo cô Thảo, “hiện nay, đa phần mọi người đang lầm tưởng giữa chương trình Tiếng Việt 1 CNGD là cải cách tiếng Việt nên họ mới hoang mang, lo sợ”. Vì vậy, cần phải giải thích để phụ huynh hiểu rõ mọi việc thắc mắc, hiểu sai để không đưa trẻ vào rối rắm, hoang mang. Ngoài ra, cô Thảo còn khẳng định: “Nhà trường đảm bảo chất lượng đầu ra của học sinh lớp Một”.
Cô Trầm Thị Khánh Ly (GV Trường Tiểu học Ngô Quyền) cho biết, những đoạn clip lan truyền trên mạng về việc chỉ tay vào ô vuông để đọc chỉ là 1 việc trong 4 việc của phần dạy “Tách lời thành từng tiếng”. “Mục tiêu của bài tiếng là giúp các em nhận biết từ các câu thơ, câu ca dao của tiếng Việt có thể tách từng tiếng đơn rời nhau. Sau phần tiếng mới được tìm hiểu cấu trúc ngữ âm, vần, luật chính tả, nguyên âm đôi và phần cuối là luyện tập tổng hợp”, cô Ly nói đồng thời khẳng định, “những mô hình vuông, tròn, tam giác không phải âm hay chữ trong tài liệu CNGD mà chỉ mang tính mô tả cho 1 tiếng phát ra từ lời nói”.
Cô Trầm Thị Khánh Ly (GV Trường Tiểu học Ngô Quyền) giải thích cụ thể về quy trình 4 việc trong phần dạy “Tiếng” |
Nói về vấn đề dư luận trên mạng xã hội, cô Ly cho rằng, ông bố trong đoạn clip yêu cầu quá cao ở con mình vì 2 tuần đầu vào học bé chưa tiếp cận chữ cái, chỉ nhận thức lời ca này được tách ra thành nhiều tiếng như vậy thôi chứ không phải đã đọc được những tiếng này.
“Ví dụ câu ca dao “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” các bé cũng có thể chỉ tay vào mô hình đọc lại 2 câu ca dao đó, chứ không phải bắt buộc chỉ tay vào mô hình này chỉ đọc được bài “Tháp Mười đẹp nhất bông sen…” này thôi đâu”, cô Ly Khẳng định
Theo cô Nguyễn Thị Hạnh Phúc (GV Trường Tiểu học Ngô Quyền), Tiếng Việt CNGD có nhiều ưu điểm. Nó giúp học sinh đọc thông viết thạo, nắm chắc luật chính tả và học sinh sẽ nắm chắc được ngữ âm tiếng Việt. Cách đánh vần theo cơ chế 2 bước và đọc theo 4 mức độ sẽ giúp học sinh nhớ lâu hơn. Ngoài ra, các thao tác bằng tay sẽ giúp học sinh phát triển được kỹ năng hình thể.
Ở góc độ phụ huynh, chị Quách Huệ Phương (Phụ huynh Trường Tiểu học Ngô Quyền) cho biết, “lúc đầu nghe chương trình mới tôi cũng lo nhưng tôi mạnh dạn cho con tôi học. Về nhà, thường kiểm tra việc học của con và nhận thấy cháu học thông viết thạo, chữ viết rõ ràng sạch đẹp”.
Phụ huynh Nguyễn Hoàng Phương (Trường Tiểu học Lê Qúy Đôn – Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết, năm trước con anh học chương trình này anh hơi lo lắng nhưng thấy cháu đọc được, viết được nên anh cũng yên tâm.
Quy trình 4 việc dạy “Tách lời ra thành từng tiếng” của chương trình Tiếng Việt CNGD
Cô Trầm Thị Khánh Ly (GV Trường Tiểu học Ngô Quyền) cho biết, phần “Tách lời ra thành từng tiếng” giáo viên dạy theo quy trình 4 việc:
Đầu tiên, giáo viên cho một câu thơ, một câu ca dao nào đó rồi hướng dẫn các em học thuộc lòng theo 4 mức độ: To, nhỏ nhẩm, thầm để các em khắc sâu hơn lời nói để tiện tách ra thành từng tiếng rời nhau.
Việc 2 là cho học sinh dùng vật thật để thay thế từng tiếng trong lời nói. Sau đó, hướng dẫn học sinh vẽ mô hình (vuông, tròn, tam giác). Sau đó, các em sẽ vẽ lại theo lời giáo viên hướng dẫn.
Việc 3 là ôn tập đọc lại lời đã được tách ra từng tiếng rời bằng cách chỉ tay vào các mô hình.
Việc 4 là các em học cách ghi mô hình thay thế cho tiếng. Vẽ mô hình trên bảng con. Sau đó, giáo viên sẽ cung cấp cho học sinh câu thơ, câu nói nào đó để học sinh vẽ các mô hình tương ứng từng tiếng, lời nói.