Một căn bệnh kì lạ
Trong một số vương triều thuộc các nước châu Âu thời cận đại đã từng xuất hiện căn bệnh kì lạ gọi là ‘bệnh huyết hữu’. Đó là một thứ bệnh do huyết dịch, người bệnh thiếu một loại gen nào đó. Đó có thể là gen làm đông máu, thiếu nó không cầm được máu, dẫn tới tử vong.
Vì thế một vết xước da chảy máu đối với người bình thường không phải là chuyện nghiêm trọng nhưng đối với người mắc bệnh huyết hữu là một tai hoạ. Kì lạ hơn nữa bệnh này do phụ nữ truyền cho và người bị bệnh thường là nam giới (huyết hữu là máu thân thích, chỉ anh em kết hôn với nhau). Tỉ lệ mắc bệnh huyết hữu rất thấp, chỉ xuất hiện ở một số ít người.
Vào thế kỷ XV, nó là căn bệnh hiểm nghèo của Hoàng gia vì nhiều vua chúa tại các nước châu Âu mắc phải. Sau khi sa hoàng Nicolai II kết hôn với Alexandre của hoàng tộc Anh thì bệnh này đã truyền lan đến hoàng tộc Nga. Một nỗi ám ảnh đáng sợ bao trùm khắp vương triều Romanov.
Phù thủy Rasputin giữa những người phụ nữ. Ông được biết đến là một kẻ nghiện tình dục. |
Ngày 12/8/1904, đứa con đầu lòng của cặp Nicolai II-Alexandra là Alexei ra đời. Mới được 6 tháng tuổi, ở rốn hoàng tử hay bị chảy máu khó đông. Khi cậu bé học bò và đi lại, hơi ngã xước da là chảy máu dài ngày. Alexandre biết rõ tai hoạ giáng xuống đầu con mình có nguyên do từ đâu. Bà cùng biết Alexei chắc chắn kế vị làm Sa hoàng nên hết lòng chăm lo cho sức khoẻ của nó.
Bà và con trai hầu như ở ẩn trong cung cấm, rất ít tiếp xúc với bên ngoài. Dân chúng không rõ nội tình đồn đại hoàng tử bị bệnh tâm thần hoặc động kinh nên không xuất hiện trước đám đông. Tháng 7/1907, Alexei phát bệnh nặng, nằm liệt 3 ngày tưởng không qua khỏi. Bà hoàng lễ bái, cầu khấn khắp nơi, những mong Chúa có thể cứu giúp. Sự cầu khẩn của bà được đáp lại bởi sự xuất hiện một kì nhân, đó là nhà phù thủy Gregori Rasputin, người sau này đã chi phối vận mệnh nước Nga.
Thầy phù thủy chi phối vương triều
Rasputin tên thật là Gregori Ephemovich Novisen. Rasputin chỉ là biệt hiệu, theo tiếng Nga là “kẻ phóng túng đàng điếm”. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân vùng Siberia vào năm 1865. Thuở nhỏ Rasputin ham chơi lêu lổng, lớn lên trộm cướp, bị dân làng gán cho biệt hiệu này. Ông có thân hình vạm vỡ, khoẻ mạnh, đầu óc thông minh, tính tình hung hãn.
Ông biết một chút về cách chữa bệnh cho ngựa. Nhờ sáng dạ hơn người nên tuy không được học hành đến nơi đến chốn ông vẫn có thể trở thành tu sĩ tại Viện tu đạo, sau này được đi chu du các nơi như Hy Lạp, Jerusalem.
Cuối đời Rasputin trở về làng quê cũ, tự nhận mình là thánh nhân, có tài dự đoán tương lai và y học. Ông tuyên bố bản thân có thể trực tiếp trò chuyện với các vị thần linh, biết cách nhờ thần chữa bệnh cho con người.
Một lần có người bị đứt tay chảy máu, ông vơ một nắm cỏ dại đắp lên và niệm thần chú, thế là máu ngừng chảy. Tin về vị thần y lập tức lan truyền rộng rãi. Ông thường xuyên được các gia đình mời đến nhà chữa bệnh. Rasputin luôn huyênh hoang rằng mình có thể dự đoán tương lai. Nhờ chuyện may mắn ngẫu nhiên (dự đoán đúng một vụ đại hạn vào tháng 3) nên ông ta càng nổi tiếng.
Mọi người cảm thấy ông nông dân ăn nói thô lỗ, hành vi phóng đãng nhưng quả là tài năng hơn người. Họ đồn rằng ông nắm được cả thuật thôi miên cao siêu. Đôi mắt màu xanh lanh lợi của ông, một khi nhìn vào mắt ai thì người đó sẽ bị chinh phục. Năm 1905, Rasputin may mắn có cơ hội tới kinh đô. Năm đó nổ ra cách mạng ở Nga, Sa hoàng buộc phải triệu tập cuộc họp của viện Duma.
Khi tổ chức đồng minh của người da đen phát hiện Rasputin ở tỉnh Topolsk, họ nhận thấy ông ta là một nông dân hùng biện, có khả nảng giúp đảng phái mình vận động kiếm phiếu bầu nên đã đưa ông ta về Saint Petersburg. Rasputin dùng kĩ năng chiêm tinh và phù thủy học được dễ dàng làm mê hoặc bọn quý tộc dốt nát, ngoi lên vị trí thượng lưu trong xã hội.
Sa hoàng Nicholas II và gia đình. |
Ít lâu sau Rasputin lại may mắn chữa khỏi bệnh cho con chó của vua Nicolai II nên danh tiếng càng vang dội. Lúc đó Sa hoàng Nicolai II và Hoàng hậu Alexandra đều mê tín thần bí, thích gần gũi các nhân vật khác thường như nhà tiên tri, nhà dự đoán và chúa cứu thế. Nhà vua hay tổ chức các buổi lễ thần linh. Hoàng tử Alexei mắc bệnh hiểm nghèo làm cho hai vợ chồng nhà vua đau khổ.
Mỗi khi chú bé phát bệnh, cả triều đình bó tay không giúp được gì. Đúng vào lúc tình hình trở nên nguy cấp, giới quý tộc tiến cử Rasputin với nhà vua. Năm 1907, Thái tử Alexei lại phát bệnh, nằm li bì trên giường. Hoàng hậu Alexandra thuyết phục Sa hoàng cho triệu Rasputin đến xem sao. Thật lạ lùng, chỉ một gói thuốc bột của Rasputin và lời thần chú mà bệnh tình của Thái tử chuyển biến ngay.
Hai vợ chồng Sa hoàng hết sức vui mừng, coi Rasputỉn như hoá thân của thần thánh tới cứu giúp. Họ gọi ông là thánh nhân. Từ đó ông nói gì họ cũng răm rắp nghe theo như thánh chỉ. Hoàng hậu càng bái phục, chấp hành vô điều kiện mọi ý muốn của ông.
Vận mệnh Đế quốc Nga nằm trong tay Rasputin - một thầy phù thủy xuất thân nông dân không được học hành đầy đủ. Rasputin ở trong hoàng cung thì thái tử khoẻ mạnh, vui đùa. Hễ vắng mặt Rasputin thì Thái tử lại ủ rũ, âu sầu.
Khoảng năm 1915, quan hệ giữa thầy phù thủy với vợ chồng Sa hoàng trở nên xấu đi. Nguyên do có một lần Rasputin không được ở lại Hoàng cung. Thái tử bị chảy máu cam. Hoàng hậu vội cho người mời Rasputin nhưng ông ta cố ý chần chừ, 2 ngày sau mới đến, bệnh tình của thái tử đã chuyển biến xấu.
Tuy nhiên thái tử nhìn thấy Rasputin là bệnh tình chuyển biến tốt ngay. Từ đó, Sa hoàng càng phải vị nể ông ta, không dám làm trái ý. Chính từ đó mà tai hoạ đến với Đế quốc Nga. Sau khi giành được sự tín nhiệm tuyệt đối của vợ chồng Sa hoàng, Rasputin tự do ra vào cung cấm, tha hồ gây ảnh hưởng với nhà vua, trở thành một nhân vật có quyền lực trong triều đình.
Ông ta bắt đầu có dã tâm tranh đoạt quyền vị, trực tiếp can dự vào việc triều chính. Đến năm 1916, quyền lực của Rasputin đã đi tới đỉnh cao. Năm 1915, sau khi nổ ra đại chiến I, Sa hoàng thân chinh ra mặt trận, xa rời kinh đô. Hoàng hậu làm nhiệm vụ chấp chính nhưng quyền lực thực tế nằm trong tay Rasputin. Kết quả là công việc triều chính cực kỳ rối ren.
Từ năm1914-1916, chủ tịch Hội nghị đại thần phải thay đổi nhân sự 4 lần, Đại thần Nội vụ thay đổi 6 lần, Đại thần Lục quân thay đổi 4 lần, Đại thần Ngoại giao thay đổi 3 lần, Đại thần Tư pháp thay đổi 4 lần. Rasputin bổ nhiệm các quan đại thần (Bộ trưởng) không theo một nguyên tắc nào hết, chỉ do hứng thú nhất thời.
Ông ta bổ nhiệm cụ già 80 tuổi, Clomaikim làm chủ tịch Hội nghị Đại thần (tức chủ tịch hội đồng Bộ trưởng) chỉ vì rất thích thưởng thức món khoai tây rán do bà vợ ông ta tự tay làm. Nhiều vị đại thần chỉ vì làm mất lòng Rasputin mà bị bãi chức. Nước Nga thời đó vốn có mâu thuẫn giai cấp sâu sắc, lại bị thất bại liên tiếp trên chiến trường châu Âu, nay lại bị một tên “quê mùa” Rasputin lũng đoạn nên càng rơi vào tình trạng khốn đốn.
Nhà quý tộc Sukin viết hồi kí nói: “Rasputin là một kẻ hai mặt. Trước hoàng tộc thì ông ta tỏ ra là một trưởng lão khiêm tốn, được hoàng hậu tin dùng như hoá thân của thượng đế. Đứng trước quần chúng, hắn là kẻ gian ngoan xảo quyệt, ham mê tửu sắc. Dân chúng rất bực bội khi thấy Sa hoàng tin dùng hắn... Dân chúng căm phẫn.
Giữa họ và nhà thống trị đã xuất hiện tên lính truyền lệnh của tử thần. Không ai biết được tinh chất hai mặt của con người đó nên cả hai bên, vua và dân không thông cảm nhau...”. Mọi việc làm của Rasputin rất tệ hại nhưng hoàng hậu không chịu thừa nhận điều đó. Bà hoàng nói rằng: “Thánh nhân thường hay bị người trần mắt thịt báng bổ.
Mọi người ghét ông ta vì ông ta được hoàng gia quý mến”. Bà không hề mất lòng tin đối với tên cận thần dối trá đó. Sự căm phẫn của dân chúng đối với hắn đã lên tới đỉnh điểm khi nổ ra Cách mạng Tháng Mười Nga. Nhiều vị hoàng thân quốc thích lo ngại lòng dân phẫn nộ đã khuyên nhà vua nên loại bỏ Rasputin. Hoàng hậu phản đối, mặc dù có tiếng đồn bà là người tình của hắn...
(Còn nữa)