Những thông tin trên khiến chúng ta buồn. Buồn vì VĐV chúng ta nghèo, chế độ tập luyện không là bao, tiền thưởng từ tấm huy chương cũng chưa thật xứng đáng so với các VĐV quốc tế. VĐV đã nghèo thì HLV cũng đâu quá giàu, họ từ VĐV mà đi lên nên quá hiểu quá trình khổ luyện đó.
Trên trang cá nhân của VĐV Phạm Như Phương cách đây không lâu còn viết những dòng thân mật: “Con rất vui vì ngày hôm nay con đã cố gắng phát huy được bản thân mình, con muốn nói lời cảm ơn đến hai người HLV của con Nguyễn Thùy Dương và Nguyễn Hà Thanh đã giúp đỡ và đồng hành cùng con trong suốt chặng đường rất dài. Con sẽ cố gắng phát triển bản thân hơn nữa trong tương lai và con rất mong, sự phát triển trong tương lai của con sẽ được đồng hành cùng thầy và cô ạ”. Vậy cú “quay xe” của VĐV Phạm Như Phương quả là xót xa.
Xót xa bởi lẽ người mà VĐV Phạm Như Phương tố cáo là người thầy, người mà cô từng gọi là “mẹ” đã đồng hành cùng cô trong một hành trình gian khó trong cuộc đời của VĐV, ngay từ khi Phương mới 7 tuổi. Xót xa ở chỗ bài Phương đăng tố thầy cũng ngay trên tờ báo mà vào ngày 18/5/2022 đã đăng tải một bài viết với hình ảnh đầy xúc động, kèm những dòng mô tả như: “HLV Nguyễn Thùy Dương, người mà Phương thường gọi “mẹ Dương” luôn bên cạnh cô học trò, giúp Phương có sự chuẩn bị tốt nhất trước mỗi phần thi” và rằng: “Phương ôm chầm lấy mẹ Dương sau màn thể hiện tốt phần thi cầu thăng bằng”...
Vậy tại sao mới chưa đầy 2 năm, mối quan hệ “mẹ con” từng làm bao người xúc động qua mặt báo bỗng thành mối quan hệ đối đầu khi Phương tung hàng loạt chứng cứ chứng minh người thầy của cô, người mà cô gọi là “mẹ” đã bắt cô chia “phế” tiền thưởng cùng hàng loạt chi tiết khác?
Nhiều người trong giới thể thao khi đọc thông tin này đều thốt ra từ: “Xót xa”. Chẳng biết trách ai bây giờ!
Mới đây, võ sĩ Muay Nguyễn Trần Duy Nhất chia sẻ sau những ồn ào về việc chia tiền thưởng sau tấm huy chương: “Khi đi thi đấu về và được giải đấu, Nhất cũng thường xuyên đến thăm và gửi quà cảm ơn thầy cô, rồi những lúc Nhất khó khăn thì thầy cô cũng chia sẻ và hỗ trợ cho mình. Vì thế, việc người trò luôn biết ơn đến thầy cô từ đạo lý “không thầy đố mày làm nên” là chuyện bình thường. Còn về việc HLV ép buộc và ăn chặn tiền của VĐV thì đó là điều không được phép. Những món quà mà VĐV gửi tặng đến các HLV là trên tinh thần tự nguyện”.
Trong vụ “lùm xùm” tiền thưởng ở đội tuyển Thể dục dụng cụ, câu chuyện này đã làm cho nhiều người cảm thấy day dứt: Giá như HLV không làm sai? Giá như các VĐV hiểu được đạo lý “không thầy đố mày làm nên” để biết ơn, biết sẻ chia hơn với những cực nhọc của các HLV thì đâu nên nỗi?
Từng sát cánh bên nhau lúc tập luyện, thi đấu, rồi vỡ òa niềm vui khi giành được tấm huy chương. Nhưng rồi chuyện đau lòng đã đến khi góc tối của việc chia phần sau tấm huy chương giữa VĐV và HLV bị phơi bày. Chuyện đáng ra không có trong làng thể thao lại bày biện cho thiên hạ bàn luận. Đây thực sự là những rạn vỡ không đáng có đằng sau sự khổ luyện của thầy và trò, đằng sau nước mắt hạnh phúc của tấm huy chương.