Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phải “ra tay” phản ứng “nhanh” như thường thấy. Theo văn bản của Văn phòng Chính phủ cách đây 2 ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an điều tra làm rõ thực phẩm bị nhiễm ấu trùng sán lợn tại tỉnh Bắc Ninh; chỉ đạo Bộ Y tế cử ngay đoàn công tác về tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh có phát hiện để chỉ đạo phòng, chống bệnh, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa; tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm...
Phản ứng kịp thời của người đứng đầu Chính phủ là cần thiết. Người liên quan, nếu có trách nhiệm trước cuộc sống mỗi công dân phải suy nghĩ.
Dù không phải là bệnh cấp tính nhưng vì quá lo lắng trước những thông tin cấp tập về nó, ngày hôm qua, hôm nay tiếp tục có nhiều phụ huynh ở Thuận Thành (Bắc Ninh) đưa con đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Hà Nội) để xét nghiệm, chấp nhận đứng xếp hàng từ 3h sáng dù trời mưa phùn, gió rét. Chúng ta, mỗi người, mỗi gia đình đã và đang trở thành “nạn nhân” của một “hội chứng” lo thái quá, như thế.
Không riêng “sán lợn”, gần đây liên tiếp xảy ra những vụ lan truyền tin đồn thất thiệt, bịa đặt về chuyện bắt cóc trẻ em, dẫn đến đám đông bị kích động, có hành vi hung hãn, thái quá và rất, rất nhiều thông tin khác. Các chuyên gia tâm lý đã nêu ý kiến về vấn đề thời sự: Hãy cảnh giác với tin đồn và hội chứng đám đông! Xem ra, con người ngày càng bị “cuốn” vào “hội chứng”.
Chúng ta đang chứng kiến, nhiều người ngày càng nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết. “Môi trường” thiếu sàng lọc, không được định hướng, tiếp nhận tin đồn với tâm lý sợ hãi, tự biến mình trở thành phương tiện lan truyền tin đồn đến người khác, thậm chí bốc đồng, sai trái không nhận ra. Chúng ta từng chứng kiến rất nhiều người dân đã xông vào hành hung những người bị nghi ngờ bắt cóc trẻ em, dù rằng không có bằng chứng nào cả mà chỉ là do tâm lý nghi ngờ, cùng với đám đông bị kích động.
Thậm chí, có những người thừa hiểu đó là chuyện bịa đặt nhưng vẫn không làm chủ được hành vi của mình nên cũng chạy theo tin đồn để nghe ngóng, quan sát và cổ vũ cho hành vi sai trái. Đó là một thực trạng, đó là điều đáng lo.
Trở lại “câu chuyện sán lợn”, bình tĩnh mà xem. GS.TS Nguyễn Văn Kính (Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cũng bàng hoàng và ông cho biết, sán lợn không phải là bệnh cấp tính, nếu nhiễm bệnh hoàn toàn có thể bình tĩnh tìm phương án giải quyết. Không như “hội chứng” đám đông đã và đang diễn ra.
Hãy bình tĩnh và có thái độ khoa học, lắng nghe các nhà chuyên môn, nếu như không muốn mình trở thành nạn nhân của “bi kịch”. Không chỉ vấn đề an dân, các ngành sản xuất cần một thái độ như vậy. Đó là an ninh xã hội.