Bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích giữa hai bên bộc lộ đồng thời trên nhiều phương diện và lĩnh vực hợp tác song phương một cách công khai và sâu sắc, cơ bản và khó có thể được nhanh chóng khắc phục.
EU nói chung và nhiều thành viên EU nói riêng không hài lòng với cách thức Trung Quốc thông tin cho thế giới bên ngoài về sự bùng phát và diễn biến của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, cũng như cách thức đối phó của Trung Quốc. Phía EU hàm ý ở đây là Trung Quốc phải chịu trách nhiệm nhất định về một vài khía cạnh của chuyện dịch bệnh. Thêm vào đấy là những vấn đề khác liên quan đến những biện pháp chính sách mới của Trung Quốc đối với Đài Loan, Hong Kong và người theo đạo Hồi ở khu vực Tân Cương cũng như liên quan đến ý đồ và hành động của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tuy không liên minh hay liên kết gì với Mỹ để cùng đối phó Trung Quốc nhưng EU đồng thuận với Mỹ trong không ít nội dung quan hệ với Trung Quốc. Có thể thấy bối cảnh tình hình chung hiện tại ở Trung Quốc cũng như trong các mối quan hệ quốc tế của Trung Quốc không thuận lợi gì cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa EU và Trung Quốc.
Nhưng vì hai đối tác này quá quan trọng đối với nhau nên cả hai phía đều không muốn mối quan hệ bị đổ vỡ hoặc trở nên đối kháng toàn diện như mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian vừa qua. Hai bên đã thoả thuận tiến hành cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa đầy đủ lãnh đạo 27 thành viên EU với ông Tập Cận Bình.
Sự kiện này bị phía EU hoãn vô thời hạn với lý do chính thức là dịch bệnh nhưng trong thực chất bởi phía EU nhận thấy rằng nó không thể thành công và nếu sự kiện tầm cỡ lớn chưa từng thấy bị thất bại thì ý nghĩa và tác động thực tế của thất bại sẽ vô cùng tai hại đối với EU.
Bởi thế, EU chuyển từ sự kiện trực tiếp sang trực tuyến. Mục đích chính của EU là giữ cầu quan hệ với Trung Quốc và vớt vát tiến triển được chút nào hay chút đó. Trung Quốc có nhu cầu cấp thiết dàn xếp ổn thoả chuyện quan hệ hợp tác với EU vì cần EU làm đối tác kinh tế thương mại và làm đối trọng cho xử lý quan hệ với Mỹ. Càng bị phía Mỹ làm găng, Trung Quốc có nhu cầu càng cấp thiết phân hoá EU với Mỹ.
Nhưng cả cuộc trao đổi trực tuyến cũng không đưa lại được kết quả cụ thể đáng kể gì ngoài sự thể hiện ý chí và quyết tâm chính trị của hai phía về thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. EU nhìn nhận Trung Quốc không còn như trước nữa và bắt đầu để cho cạnh tranh với và đối phó Trung Quốc chi phối sự hợp tác với Trung Quốc. Thời gian tới sẽ là một giai đoạn đầy sóng gió trong mối quan hệ song phương này.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu