Cuộc gặp mới đây ở thủ đô Havana của Cuba giữa Giáo hoàng Francis và Giáo chủ Kirill là sự kiện lịch sử đối với đạo Thiên chúa. Giáo hoàng Francis đứng đầu Giáo hội Cơ đốc, còn Giáo chủ Kirill đứng đầu Giáo hội chính thống ở Nga.
Năm 1054 được coi là thời điểm đánh dấu sự phân rẽ nói trên. Nguyên nhân là sự bất đồng quan điểm trong nội bộ đạo Thiên chúa và về vai trò của Giáo hoàng.
Trong thập kỷ 60 của thế kỷ trước, ở thời Giáo hoàng Paulus VI đứng đầu Giáo hội Cơ đốc và người tiền nhiệm của Giáo chủ Kirill đứng đầu Giáo hội chính thống Nga, đã có những động thái nhất định từ hai phía theo hướng hàn gắn sự chia rẽ, nhưng rồi tiến trình hoà giải để tái hoà hợp sau đó bị ngưng trệ vì nhiều lý do khác nhau.
Vì cuộc đối đầu về ý thức hệ giữa Phương Tây và Liên Xô trong bối cảnh chiến tranh lạnh, vì mối quan hệ đầy nhạy cảm giữa Ba Lan với Nga khi đứng đầu Toà thánh Vatican ở Roma (Italy) là Giáo hoàng John Paul II. vốn là người Ba Lan.
Vì thế nên đối với Nhà thờ Thiên chúa, sự kiện lịch sử nói trên ở Havana có ý nghĩa và tác động rất to lớn. Có cuộc thượng đỉnh như thế thì mới có được sự khởi đầu cho quá trình gây dựng mọi tiền đề thuận lợi cần thiết về mọi phương diện để hoà giải và mở ra triển vọng tái hoà hợp.
Thiện chí đã được cả hai phía bộc lộ, đặc biệt từ phía Giáo hoàng Francis. Bản tuyên bố chung sau cuộc hội ngộ ở Havana cho thấy cả hai phía đều nhận thức là hiện không chỉ đã hội tụ đủ cả thiên thời lẫn địa lợi và nhân hoà mà còn cả về sự cần thiết phải khắc phục mối bất hoà dai dẳng từ quá khứ lịch sử.
Trong đó thể hiện sự đồng thuận quan điểm về những mối lo ngại chung liên quan đến đạo Thiên chúa và thời cuộc trong thế giới hiện đại. Có thể nói, bước khai thông đột phá đã được tạo nên, một số điều cấm kỵ bất thành văn lâu nay đã được khắc phục và vấn đề đặt ra cho tương lai không còn là xác định chủ ý và định hướng nữa mà chỉ là thực hiện cụ thể như thế nào để hai giáo hội ngày càng xích lại gần hơn với nhau. Mục tiêu hướng tới cho tương lai là có lại thời quá khứ xa xưa.
Sau sự kiện ở Havana, mục tiêu ấy đã được ngầm xác định nhưng thật ra vẫn còn ở cách rất xa vời. Hai bên mới chỉ khởi động lại tiến trình hoà giải. Cuộc gặp cấp cao này với văn kiện nói trên chưa đủ để đảm bảo rằng tiến trình hoà giải rồi tất yếu sẽ dẫn đến hoà hợp, ấy là còn chưa đề cập đến khả năng chuyện hoà hợp hoàn toàn không khả thi.
Giáo hoàng Francis ý thức được rằng phải cải cách cơ bản và triệt để Giáo hội Cơ đốc, từ trung tâm quyền lực cao nhất của nó là Toà thánh Vatican đến tất cả các giáo phận ở mọi nơi trên thế giới thì mới có thể chặn được đà suy giảm vai trò và ảnh hưởng của Nhà thờ thiên chúa giáo nói chung và của chính Toà thánh Vatican nói riêng.
Chưa chặn được đà suy giảm vai trò và ảnh hưởng thì làm sao có thể tăng được vai trò và ảnh hưởng. Giáo chủ Kirill chủ ý tận dụng thực trạng hiện tại của Giáo hội Cơ đốc và thời cuộc ở châu Âu cũng như trên thế giới và thiện chí cũng như nhu cầu thực sự của Giáo hoàng Francis để phát huy thanh thế, đề cao vai trò của Giáo hội chính thống mà trong đó Giáo hội chính thống Nga có ảnh hưởng nổi trội nhất.
Sau gần một thiên niên kỷ, những bất đồng quan điểm xưa hiện vẫn còn rất sâu sắc và khó khắc phục. Chuyện hoà hợp rất khó khăn và nhiều khả năng sẽ không bao giờ xảy ra vì hai phe này có thể dễ dàng hợp tác cùng nhau giải quyết những vấn đề đang đặt ra đối với Nhà thờ thiên chúa giáo nhưng sẽ không nhượng bộ nhau trong chuyện phân định quyền lực lãnh đạo tôn giáo này…