Trước Hội nghị này, tại Hội nghị Trung ương 13, Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự tham gia Ủy viên Trung ương chính thức, Ủy viên Trung ương dự khuyết và Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Khóa XIII.
Tất nhiên, ngoài việc giới thiệu Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa tới, tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị (Khóa XII) báo cáo Trung ương về kết quả việc chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư Khóa XIII (về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình phát hiện, giới thiệu và cách làm). Trung ương sẽ thảo luận và bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư Khóa XIII.
Trước vấn đề quan trọng đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói hết tình cảm, trách nhiệm khi đề nghị mỗi Ủy viên Trung ương tập trung nghiên cứu kỹ Tờ trình của Bộ Chính trị và các tài liệu nhân sự có liên quan, suy nghĩ cân nhắc thận trọng, đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết, thảo luận thật kỹ, cho ý kiến một cách thẳng thắn, trách nhiệm, tạo sự đoàn kết và thống nhất cao trong việc bỏ phiếu quyết định giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư Khóa XIII.
Cách đây không lâu, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý, cần rút ra các bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó có sự nêu gương của cán bộ, đảng viên với tinh thần chức vụ càng cao càng phải nêu gương, càng phải gương mẫu, trước hết là các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp uỷ các cấp, nhất là người đứng đầu.
“Công tác nhân sự là vấn đề cực kỳ hệ trọng bảo đảm sự thành công của Đại hội. Phải có nhận thức sâu sắc, dày công chăm lo cho công tác này; trong quá trình tổ chức thực hiện, cần thực hiện đúng nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình, tiến hành từng bước, từng việc, từng khâu một cách kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, làm đến đâu chắc đến đó”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đúc kết.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc đến công tác cán bộ. Người đánh giá vai trò quan trọng của cán bộ trong thực hiện công việc cách mạng. Người khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư là “gốc của gốc”, “chiến lược của chiến lược”, có ý nghĩa đặc biệt đối với lợi ích của Đảng và dân tộc.
Nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư là niềm tin yêu và hy vọng lớn lao của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng ta, chế độ ta. Do vậy, rất dễ hiểu, nhân dân quan tâm đặc biệt.