Tin vào hình ảnh, nhận dịch vụ thảm hoạ
Anh Nguyễn Minh Tâm, giáo viên, ngụ tại quận 12 có chia sẻ về trường hợp của mình. Anh có đặt một tour du lịch Nha Trang cho cả gia đình với giá khuyến mãi giảm còn 70% trên một trang web chuyên giới thiệu các dịch vụ liên quan đến du lịch. Tuy nhiên, tour du lịch này là một “thảm hoạ” đối với gia đình anh Tâm khi giá trị thụ hưởng thấp hơn rất nhiều so với những lời giới thiệu. Khách sạn 3 sao được chụp ảnh trên website thì rõ lung linh, thế nhưng thực tế lại cáu bẩn, máy lạnh trục trặc. Thức ăn, cũng là hải sản nhưng không hề “tươi sống” như trong quảng cáo. Tour lại rất đơn điệu, cả gia đình cùng đoàn được dẫn đến những khu vực tham quan xấu, ít khách viếng thăm.
Cảm thấy bị lừa, anh Tâm có liên hệ trang web giới thiệu nói trên để phản ảnh, thì chỉ nhận được câu trả lời “sẽ ghi nhận và làm việc lại với đối tác” rồi thôi. Sau đó, tìm hiểu kĩ anh Tâm mới biết không ít người đã “mắc bẫy” hình ảnh đẹp, giá tốt nên đã đặt các dịch vụ liên quan đến du lịch như phòng ốc, buffet hay tour, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác, và cũng không hề nhận được phản hồi nào từ website sau khi phản ánh.
Hiện nay, có rất nhiều wesite trung gian trong các lĩnh vực: du lịch, ẩm thực, mua sắm... Công việc của các website này không phải là trực tiếp cung cấp sản phẩm, dịch vụ mà là “review”, tức giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, liên kết với địa điểm cung cấp sản phẩm, dịch vụ ấy. Có nhiều cách thức kinh doanh mà các website này áp dụng, như liên kết với bên cung cấp để nhận đặt hàng trực tiếp trên website,hưởng phần trăm lợi nhuận, hoặc người kinh doanh trả tiền để được giới thiệu sản phẩm, dịch vụ trên các website này.
Không thể phủ nhận lợi ích của các trang web trung gian. Đây là một cầu nối hữu ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Doanh nghiệp tìm được nơi để quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình, tiếp cận khách hàng, còn người tiêu dùng thì dễ dàng tìm kiếm các thông tin khi cần.
Hai mặt của loại hình trung gian
Một trang web trung gian “nổi đình nổi đám” nhất hiện nay là Foody chuyên giới thiệu các trải nghiệm về ẩm thực, du lịch đã được coi là “không thể thiếu” cho các tín đồ ẩm thực và du lịch trẻ tuổi. Hiện, hầu hết các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này đều lần lượt trở thành đối tác của Foody. Để xây dựng được uy tín lẫn một kho dữ liệu đồ sộ về ẩm thực, du lịch tại khắp cả nước, Foody đã mất nhiều năm hoạt động không lợi nhuận, chỉ chuyên đi giới thiệu, bình luận về các địa điểm đẹp, nơi ăn uống ngon ở khắp nơi.
Điều cốt yếu của một website trung gian phải là uy tín. Tiếc là, rất nhiều website vì lợi nhuận đã bỏ qua uy tín của mình, giới thiệu, cung cấp các sản phẩm dịch vụ thiếu chất lượng. Nhiều website, hay nói đúng hơn là hầu hết các trang web trung gian hiện nay ít có khâu thẩm định chất lượng trước khi giới thiệu đến khách hàng. Thời buổi làm ăn nhanh gọn, các đối tác chỉ cần gửi hình ảnh sản phẩm, gửi bảng giá và trả chi phí quảng cáo, thế là được ngay một bài viết mô tả cảm nhận “như thật” về sản phẩm, dịch vụ.
Một chiêu quen mà nhiều website trung gian thường dùng, đó là tự cho nhân viên của mình tạo nick giả vào phần bình luận trên web, fanpage của mình để tự tán dương sản phẩm, dịch vụ nhằm thu hút sự tin cậy của người tiêu dùng. Hậu quả là người tiêu dùng nhiều lần “ăn quả đắng” khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ được giới thiệu, khi hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, giá niêm yết trên mạng chỉ là giá thấp nhất, và chất lượng thì hoàn toàn trái ngược với lời khen ngợi.
Ngay cả trang Foody được mọi người tin tưởng trên cũng không ít lần áp dụng những “chiêu trò” và bị khách hàng phản ánh chất lượng hoàn toàn không giống lời giới thiệu. Trong khi đó, các phản hồi trái chiều, phản ánh thật sự chất lượng sản phẩm, dịch vụ thì ít đến được với những người tiêu dùng khác vì đã bị người quản trị xoá đi, thậm chí khoá nick của khách hàng bình luận trái chiều.
Một vấn đề nữa cần nói đến ngoài chất lượng sản phẩm là sự an toàn, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh ẩm thực. Chỉ vài trang giới thiệu ẩm thực uy tín có yêu cầu doanh nghiệp cung cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, ngoài ra bỏ lơ. Không ít trường hợp người tiêu dùng phải nhận hậu quả từ những lời giới thiệu “vô tội vạ” từ những website trung gian: nhận sản phẩm chất lượng kém, sử dụng dịch vụ tệ hại, hay ngộ độc nhẹ vì chọn sử dụng sản phẩm, dịch vụ từ lời giới thiệu vô trách nhiệm của các trang web trung gian này.
Bất cập là vậy tuy nhiên hành lang pháp luật chưa thực sự với những sai phạm nói trên, ngoài ra, với người tiêu dùng, những vấn đề xảy ra không đủ lớn, ngại phiền phức nên không mấy khi họ khiếu nại, kiện tụng đến cùng. Đó cũng là lý do khiến các trang trung gian có thể sống yên ổn, “ăn nên làm ra”, ít có trở ngại.