Kỷ niệm ngày 8/3 trở thành nét văn hóa tôn vinh nữ quyền, thâm nhập vào tất cả các tầng lớp xã hội, cơ quan, đơn vị và cả trong mỗi người, từng gia đình. Không chỉ là quà, hoa và những lời chúc tụng mà đằng sau đó là mối quan tâm đến phụ nữ, mong muốn những người mẹ, người chị, người em có cuộc sống tốt đẹp hơn, xứng đáng được hưởng sự ưu ái của toàn xã hội và từ những người thân yêu. Chỉ khi có sự bất bình đẳng tồn tại thì mới phải đấu tranh cho sự bình quyền nam nữ, khi đó, nữ quyền cần đề cao, tôn trọng trong đời sống xã hội.
Dịp 8/3 năm nay càng đáng nhớ bởi có những sự cố đáng buồn. Vụ cô giáo quỳ ở Long An đã gây nên một làn sóng phẫn nộ của dư luận cả nước, trở thành tâm điểm của truyền thông và nỗi nhức nhối của nền giáo dục nước nhà. Tiếp tục, một cô giáo Trung học cơ sở ở Châu Thành (Bến Tre) bị một học sinh nam bóp cổ ngay tại lớp, trước mặt các bạn, hành vi này đã đi đến tột cùng giới hạn của sự trái đạo lý truyền thống và một nỗi đau xót cho đội ngũ người thầy.
Trong thời điểm cả giới đàn ông thể hiện tình cảm, sự trân trọng của mình dành cho phái nữ thì một cô gái 20 tuổi chết tức tưởi dưới tay một nam ca sỹ với hơn ba chục nhánh tỏi nhét vào mồm. Cô gái quê trong gia đình nghèo khổ, bố mẹ ly hôn, ra tỉnh kiếm việc làm mà bị cuốn vào cuộc sống sa đọa và phải trả bằng chính sinh mạng của mình, để lại nỗi đau khôn cùng cho bà, cho mẹ. Còn người gây nên cái chết cho cô ái ấy, chính mẹ anh ta nói rằng: “Nó nổi tiếng nhưng chưa bao giờ cho mẹ đồng nào”, dịp tết cho mẹ được 2 triệu rồi đòi lại, bắt mẹ đi vay thêm 5 triệu để tiếp tục ăn chơi và quà tặng cho mẹ ngày 8/3 là hành vi gây chết người này!
Cũng trong dịp 8/3, một người đàn ông tưới xăng đốt vợ vì nghi vợ ngoại tình. Đau xót hơn, án mạng xảy ra với 2 cha con ở Lạng Sơn và thủ phạm cũng treo cổ tự tử, để lại hai người vợ với đàn con nheo nhóc. Sự trả thù do mâu thuẫn giữa những người đàn ông với nhau đã đẩy những người phụ nữ vào cảnh góa bụa, đau khổ cùng cực.
Xã hội chúng ta đề cao và coi trọng nữ quyền. Đã có không ít những đại diện xuất sắc của giới phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực chính trị, thể thao, nghiên cứu khoa học, kinh doanh..., và có những cống hiến lớn lao cho đất nước. Tuy nhiên, để thực sự có một nền văn hóa nữ quyền thể hiện trong ứng xử, công việc, quan hệ xã hội, gia đình thì cần đến nhiều nỗ lực từ nhiều phía và cần có thời gian. Nhưng, trước hết, để xảy ra tình trạng phụ nữ bị ức hiếp, bị đẩy vào cảnh khốn cùng thì trước hết, lỗi thuộc về cánh đàn ông vốn tự cho mình là phái mạnh, chi phối mọi hoạt động của đời sống xã hội cũng như gia đình!