Từ stress đến tâm thần
Stress (Căng thẳng thần kinh) đang trở thành một vấn nạn trong cuộc sống hiện đại. Khi con người phải chịu quá nhiều áp lực từ công việc, cuộc sống, học tập trong khi không có đủ thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Những điều này khiến nhiều người rơi vào trạng thái hoảng sợ, lo âu, ám ảnh, trầm cảm, rối loạn sang chấn tâm lý… Nếu rơi vào tình trạng trên mà không được can thiệp kịp thời sẽ gây ra hậu quả khôn lường.
Tại buổi toạ đàm “Rối loạn liên quan đến stress và gánh nặng” do Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức, bác sĩ Dương Minh Tâm, Phòng Điều trị Rối loạn liên quan stress thuộc Viện Sức khỏe Tâm thần, cho biết trên thế giới có khoảng 350 triệu bệnh nhân phải chịu đựng trầm cảm, 5% phải chịu đựng lo âu, và chi phí y tế cho rối loạn lo âu cũng vô cùng lớn, gấp 3 lần các bệnh nội khoa thông thường. Ngoài ra, có hơn 90% những người quyết định tự tử có rối loạn tâm thần đủ tiêu chuẩn chẩn đoán.
Ở nước ta có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress. Thậm chí, trong thực tế, con số này còn lớn hơn và ngày càng gia tăng. Tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), nếu như cách đây 15-20 năm, trung bình tiếp nhận từ 1 đến 2 bệnh nhân/ngày, thì nay mỗi ngày viện tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân đến khám về các vấn đề rối loạn tâm lý, tâm thần, rối loạn lo âu, hoảng sợ, trầm cảm… liên quan đến stress.
Nguyên nhân khiến nhiều người bị stress cũng rất đa dạng: do sức ép trong công việc, học tập, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội… sự thiệt hại về kinh tế hoặc một biến cố nào đó quá lớn.
Bên cạnh đó thì nguyên nhân tâm thần do nghiện game, nghiện mạng xã hội cũng đang trong tình trạng báo động. Tại một số bệnh viện tâm thần ngày càng nhiều trường hợp nghiện mạng xã hội nặng đến mức bị trầm cảm, co giật và ngất xỉu khi không có Internet.
Hầu hết bệnh nhân khi đến cơ sở y để khám, chuẩn đoán bệnh thì đã rất muộn. Lý do là sợ bị kỳ thị, hiểu nhầm, đánh giá. Bên cạnh đó thì việc nhận thức về bệnh tâm thần của người dân hiện tại chưa đúng và chính xác. Họ thường đánh đồng tất là điên. Dấu hiệu nhận biết người điên là phải gào thét, phá phách hay đi lang thang ngoài đường, không nhận biết làm chủ được hành vi năng lực của mình.
Nhưng trên thực tế có nhiều rối loạn diễn biến âm thầm khác như trầm cảm, mất ngủ, lo âu... mới nhìn, mới tiếp xúc rất khó nhận biết. Có những trường hợp do stress kéo dài còn dẫn đến ý định và hành vi tự sát...
Khi phát hiện bản thân, người nhà có các triệu chứng của bệnh lý liên quan đến stress như: Mất ngủ kéo dài, tức ngực, mệt mỏi, hồi hộp vã mồ hôi, lo âu, giảm trí nhớ… nên đến chuyên khoa tâm thần để được khám và điều trị sớm.
Chữa tâm thần bằng mê tín dị đoan
Theo một nữ điều dưỡng tại Trung tâm bảo trợ xã hội số 1 tại xã Quảng Hợp (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) cho biết trung tâm có khoảng gần 600 bệnh nhân tâm thần điều trị. “Người ta nói, có bệnh thì vái tứ phương, còn nước còn tát, thế nên các gia đình đưa bệnh nhân tìm tới thầy cúng, sử dụng các biện pháp mê tín dị đoan. Trừ những trường hợp bị bẩm sinh ra hầu như gia đình, người nhà bệnh nhân đều có mời thầy cúng, thầy trừ tà để chữa trị. Điển hình bà H ở Sầm Sơn đang điều trị thì con cái mang về “cúng giải vong” bệnh tình không thuyên giảm lại qua trung tâm điều trị tiếp.”
Ở Trung tâm có rất nhiều bệnh nhân rất giỏi họ bị áp lực hay một biến cố nào đó ảnh hưởng đến tâm lý rồi phát bệnh. Có người từng du học Nga, có người từng làm giám đốc ngân hàng … vì áp lực vì stress mà đổ bệnh. Nữ điều dưỡng cho biết thêm.
Tại Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức, rất nhiều bệnh nhân tâm thần trước khi nhập viện đều được các gia đình mời thầy về “bắt vong”. Thậm chí có không ít gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ, phải đi vay mượn để cúng bái nhưng bệnh không khỏi.
Được biết, tại khoa nữ, Bệnh viện tâm thần Mỹ Đức, từng có trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị T., khi mới mắc bệnh, gia đình liền lập điện thờ cúng bái mất hàng trăm triệu đồng, nhưng càng cúng, bệnh tình càng nghiêm trọng. Khi đó, người nhà mới đưa đi viện thì bệnh đã rất nặng.
Sau thời gian nhập viện, điều trị 1 thời gian, bệnh tình bệnh nhân T có nhiều thuyên giảm. Thay vì tiếp tục cho bệnh nhân được điều trị, người nhà bệnh nhân lại xin bệnh viện cho bệnh nhân được ra viện để về nhà làm lễ. Bởi thầy bói đã phán, chị T. chả có bệnh gì, chỉ là do người “âm hành”, phải mở phủ bệnh mới khỏi được. Mặc dù bác sĩ đã hết lời giải thích, nhưng gia đình nhất quyết đưa con về mở phủ. Lần thứ hai, bệnh nhân T. vẫn không khỏi, mà ngược lại, bệnh càng ngày càng nặng.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế “Tâm thần là một căn bệnh, phải điều trị bằng thuốc và liệu trình tâm lý. Việc dùng những biện pháp mê tín dị đoan để chữa trị cho người bị bệnh tâm thần có tác hại rất nhiều mặt.
Thậm chí có bệnh nhân tâm thần đã phát sinh thêm những thứ bệnh khác sau một thời gian cầu cứu thần thánh chữa trị, như chấn thương, tiêu chảy... Những bệnh nhân này trong quá trình điều trị bằng các biện pháp mê tín dị đoan thường bị bắt phải uống những loại bùa chú, nước thánh, bị châm nhang lên cơ thể... nhằm “trục tà ma” trong người ra. Nhiều bệnh nhân tâm thần nhập viện sau khi bị đánh đến thâm tím cơ thể, trong đó có vết quá sâu đã nhiễm trùng, mưng mủ.
Trên thực tế có nhiều bệnh nhân bệnh tình vẫn trong mức độ có thể điều trị được thế nhưng vì người nhà mê tín dị đoan, tin vào cúng bái để bệnh nhân mất đi cơ hội vàng trong điều trị.