Sri Lanka bắt giữ 22 đối tượng sau loạt vụ đánh bom đẫm máu

Hiện trường vụ tấn công tại Nhà thờ St. Sebastian
Hiện trường vụ tấn công tại Nhà thờ St. Sebastian
(PLVN) - Cảnh sát Sri Lanka ngày 22/4 đã bắt giữ 22 đối tượng bị cáo buộc có liên quan đến các vụ đánh bom nhằm vào các nhà thờ và khách sạn, khiến gần 300 người thiệt mạng trước đó 1 ngày.

Theo AFP, vụ nổ đầu tiên trong vụ bạo lực tồi tệ nhất tại Sri Lanka kể từ sau khi nước này kết thúc cuộc nội chiến 1 thập kỷ trước xảy ra tại nhà thờ St Anthony ở thủ đô Colombo vào sáng 21/4. Vụ nổ thứ 2 trong chuỗi các vụ tấn công chết chóc vào đúng ngày Lễ Phục sinh xảy ra tại nhà thờ St Sebastian ở thị trấn Negombo.

Tiếp theo đó, cảnh sát xác nhận thêm các vụ nổ tại 3 khách sạn hạng sang ở thủ đô Colombo và tại một nhà thờ ở thị trấn Batticalao. Đến chiều cùng ngày, đã có thêm 2 vụ tấn công khác được ghi nhận. Đến sáng 22/4, cảnh sát Sri Lanka thông báo số nạn nhân thiệt mạng trong loạt vụ tấn công đã lên đến 290 người, trong đó có 35 người nước ngoài và khoảng 500 người đã bị thương. 

Theo cảnh sát Sri Lanka và các nguồn tin khác, ít nhất 2 trong 8 vụ tấn công xảy ra ngày 21/4 do những kẻ đánh bom liều chết tiến hành. 3 cảnh sát cũng đã thiệt mạng khi một kẻ đánh bom liều chết kích nổ khối thuốc nổ trong một cuộc đột kích vào nhà của các nghi phạm. Không quân Sri Lanka ngày 22/4 cho biết thêm, quả bom thứ 9, được xác định là dạng bom ống tự tạo, cũng đã tháo ngòi nổ thành công sau khi được phát hiện tại sân bay quốc tế Colombo của Sri Lanka. 

Trong ngày 22/4, Chính phủ Sri Lanka đã ban bố lệnh giới nghiêm từ 20h00 đến 4h00 tại thủ đô Colombo, thay thế cho lệnh giới nghiêm áp dụng trên toàn quốc từ 18h00 đến 6h00 được dỡ bỏ sáng cùng ngày.

Trong ngày 22/4, Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena cũng đã triệu tập một cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia để đánh giá tình hình an ninh sau loạt vụ tấn công khủng bố trên. Cuộc họp có sự tham dự của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe.

Hiện chưa có nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công nhưng cảnh sát Sri Lanka ngày 22/4 cho biết đã bắt giữ 22 đối tượng có liên quan đến vụ việc. Theo một nguồn tin cảnh sát, các đối tượng đã bị bắt giữ tại 2 địa điểm ở Colombo và khu vực xung quanh.

Nguồn tin cũng cho biết, những đối tượng này đều là nam giới, là thành viên của cùng 1 nhóm cực đoan. Chính phủ Sri Lanka trước đó cho biết, các điều tra viên sẽ tìm hiểu về việc liệu những kẻ tấn công có mối liên hệ với bên ngoài hay không.

Cảnh sát Sri Lanka cho biết cũng sẽ điều tra về những thông tin cho rằng cộng đồng tình báo đã không thể phát hiện hoặc cảnh báo nguy cơ xảy ra các vụ tấn công liều chết trước khi thảm kịch trên xảy ra.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi AFP cho biết đã tiếp cận được các tài liệu cho thấy, 10 ngày trước vụ tấn công, Cảnh sát trưởng Pujuth Jayasundara của Sri Lanka đã cảnh báo tới các sĩ quan hàng đầu của nước này, cảnh báo rằng những kẻ đánh bom liều chết đang lên kế hoạch tấn công các nhà thờ nổi tiếng.

“Một cơ quan tình báo nước ngoài đã báo tin rằng nhóm NTJ (National Thowheeth Jama’ath) đang lên kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công liều chết nhắm vào các nhà thờ nổi tiếng cũng như Cao ủy Ấn Độ ở Colombo”, cảnh báo được ông Jayasundara gửi đi cho biết.

NTJ là một nhóm Hồi giáo cực đoan ở Sri Lanka, bị cáo buộc có liên quan đến vụ phá hoại các bức tượng Phật giáo hồi năm ngoái. Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremeinghe thừa nhận giới chức Ấn Độ đã có thông tin cho thấy các cuộc tấn công có thể xảy ra. Ông Wickremeinghe cũng khẳng định sẽ tiến hành điều tra xem “tại sao các biện pháp phòng ngừa đầy đủ không thực hiện”. 

Bộ Ngoại giao Mỹ trong khuyến cáo đi lại sửa đổi vừa được phát đi ngày 21/4 cảnh báo các nhóm khủng bố vẫn đang tiếp tục lên kế hoạch tiến hành những vụ tấn công ở Sri Lanka. “Những kẻ khủng bố có thể tấn công với rất ít hoặc không có cảnh báo nào”, cảnh báo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu. Theo Bộ này, các mục tiêu có thể bị tấn công bao gồm các địa điểm du lịch, trung tâm giao thông, trung tâm mua sắm, khách sạn, nơi thờ cúng, sân bay và các khu vực công cộng khác. 

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.