Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…

Cụ Đào Quang Huy nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong Ngày sách Việt Nam…
Cụ Đào Quang Huy nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong Ngày sách Việt Nam…
(PLVN) - Những ngày cuối năm cập rập, nhân dịp có ít đầu sách, chúng tôi tìm về thư viện của cụ ông đã qua tuổi xưa nay hiếm từ lâu, về miền sông Thương lúa hát. Đó là cụ Đào Quang Huy (Song Khê 1, Yên Dũng, Bắc Giang). Năm nay cụ đã bước sang tuổi 88, có lẽ là thủ thư cao niên bậc nhất Việt Nam…

Cụ thủ thư ở miền quê… Tiến sỹ

Khi chúng tôi hỏi đường vào Song Khê, rồi để chỉ dẫn Google map đã nghe những cái tên gợi nhớ như đường Đào Sư Tích…Thuở nhỏ, khi đọc Từ bến sông Thương của nữ sỹ Anh Thơ về các tao nhân mặc khách xứ Kinh Bắc, mảnh đất ấy đã vừa quen vừa lạ ở bên kia sông Đuống.

Và nếu như Bắc Giang có 58 vị được ghi danh bảng vàng Tiến sỹ muôn đời ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì chỉ riêng Yên Dũng nức tiếng lúa thơm được bao bọc bởi sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam đã có 13 vị Tiến sỹ.

Trong mỗi hạt lúa của vùng quê này có hương phù sa của ba con sông nổi tiếng ấy góp vào qua trăm năm, qua nghìn năm những lơ thơ, đục trong, dạt dào lắng đọng lại thành hoa, thành trái, thành diệu vợi của đất, của đời.

Người Yên Dũng tự hào khi người khai khoa cho sự nghiệp khoa bảng của tỉnh Bắc Giang được vinh danh tại đây là Nguyễn Viết Chắt người quê tại xã Tài Yên - Yên Dũng đã đỗ nhất Tiến sỹ (đại khoa) khoa thi năm Mậu Thìn 1088, sau khoa thi thứ nhất 13 năm.

Và nữa, bia tiến sỹ đầu tiên dựng ở Văn Miếu năm Nhâm Tuất 1442 là do tiến sỹ Thân Nhân Trung soạn cũng là một người con ưu tú của Bắc Giang, có nguồn gốc gia đình tại xã Yên Hồng- Yên Dũng với câu nói bất hủ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

Đặc biệt hơn nữa, ở đây có  hai  cha con cùng được vinh danh là Tiến sỹ Đào Toàn Bân đỗ nhị giáp Tiến sỹ năm 1352 và con trai là trạng nguyên Đào Sư Tích, cả ba kì thi hương, thi hội, thi đình ông đều đỗ đầu (1381)…

Và rồi, chúng tôi cũng tới được thư viện khang trang của cụ Đào Quang Huy. Nhìn vẻ tinh anh, nhanh nhẹn của cụ, không ai nghĩ cụ đã gần 90 tuổi. Cụ Huy là nhà giáo nghỉ hưu, với mong muốn mọi người dân biết quý trọng và ham đọc sách, cụ đã dành tâm huyết trong nhiều năm để sưu tầm sách, vận động gia đình, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp, thư viện tỉnh và nhiều cá nhân  ủng hộ việc thành lập thư viện. 

Cụ kể, năm 1948, khi mới 15 tuổi, cụ làm liên lạc ở Tổng cục Chính trị, sau đó vào Trường Thiếu sinh quân học quân sự. Sau chiến dịch Biên giới thu đông năm 1950, cụ được cử sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) học sư phạm.

Về Việt Nam, cụ cùng 15 đoàn viên, thanh niên tình nguyện lên tỉnh Hà Giang dạy học tại Trường Tiểu học Đồng Yên, huyện Bắc Quang, một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn thực hiện công cuộc khai hóa. Sau này, cụ Huy về thị xã Bắc Giang (nay là TP Bắc Giang) và huyện Yên Dũng dạy học cho đến lúc nghỉ hưu. 

Cụ Đào Quang Huy hạnh phúc nhận những thùng sách đầu tiên từ báo Pháp luật Việt Nam
Cụ Đào Quang Huy hạnh phúc nhận những thùng sách đầu tiên từ báo Pháp luật Việt Nam

Năm 2012, khi TP Bắc Giang có chủ trương thành lập thư viện tại các xã, phường. Được sự tín nhiệm của chính quyền địa phương, cụ Huy đã tự nguyện xin đứng ra quản lý thư viện khi bước sang tuổi 80. 

Bởi lẽ, thời công nghệ, cụ thấy nhiều thanh, thiếu niên trong làng, xã chỉ chăm chú chơi game, một số lêu lổng, lao vào các trò chơi vô bổ khi rảnh rỗi. Vậy nên cụ nghĩ mình phải khơi dậy văn hóa đọc cho các cháu và quyết định  đảm nhận công việc này, cho dù ban đầu vợ, các con, cháu khuyên nên nghỉ ngơi vì đã tuổi cao, sức yếu.

Từ đó đến nay, đã 8 năm, cụ Huy  đạp xe đi các nơi, đến nhiều cơ quan, đơn vị, đại lý thu mua phế liệu để thu thập sách, báo cũ. Có chỗ tặng, chỗ bán rẻ, chỗ ủng hộ... Tất cả đều được cụ mang về lưu giữ tại thư viện phục vụ miễn phí người đọc.

Hiện nay, thư viện do cụ Huy quản lý có gần 10 nghìn đầu sách với nhiều thể loại khác nhau như văn học dân gian, triết học, lịch sử, y tế, khoa học - kỹ thuật, nông nghiệp, sách thiếu nhi..., trong đó  2/3 số lượng do chính cụ sưu tầm. Từ chỗ số người đến đọc ít, hiện nay đã có khoảng 500 độc giả thường xuyên đến thư viện đọc sách, trong đó có nhiều học sinh ở các xã lân cận.

Đặc biệt, từ năm 2014, cụ Huy kỳ công sưu tầm, mượn nhiều sách, báo chữ nổi giúp gần 20 độc giả bị khiếm thị ở xã Song Khê, Tân Mỹ, Đồng Sơn (TP Bắc Giang) có cơ hội được đọc. Nội dung sách cũng rất phong phú với nhiều thể loại từ Văn hóa - Xã hội, Hiến pháp, Luật đến các cuốn tiểu thuyết...

Ngoài mở cửa thư viện từ 7h30 đến 16h30 vào thứ Năm và Chủ nhật hàng tuần, vào ngày khác, hễ ai có nhu cầu đọc, cụ Huy sẵn sàng phục vụ. Cụ tâm sự: Nhiều hôm đang ăn cơm trưa, tiếp khách hoặc chuẩn bị đi ăn cỗ, có người tìm đến nhà gọi, cụ vui vẻ nhiệt tình ra mở để họ mượn. Thời gian gần đây, một số cụ già cao tuổi không thể đến thư viện mượn sách, cụ kiêm luôn việc mang sách đến tận nhà khi các cụ gọi mượn.

Những lúc rảnh rỗi, cụ phụ giúp vợ dán đồ mã để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Các con cụ đều trưởng thành, thoát ly công tác và có công ăn việc làm ổn định. 

Năm 2018, cụ ông và cụ bà đã đạt giải nhất cuộc thi Bách nhân giai lão trên truyền hình…
Năm 2018, cụ ông và cụ bà đã đạt giải nhất cuộc thi Bách nhân giai lão trên truyền hình… 

“Cho đi là còn mãi”

“Cho đi là còn mãi” là tựa đề cuốn sách của 2 tác giả người Mỹ mà cụ giáo Huy yêu thích. Ý tưởng mở thư viện sách cũng là một cách chia sẻ với mọi người, làm đẹp thêm cho cuộc sống. Gần đây, cụ đã dựng một tủ riêng để bày sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và một kệ dành cho sách quân đội, sách Pháp luật, sách Văn học, Thiếu nhi…

“Tôi thấy rất vui và hạnh phúc khi ngày càng có nhiều độc giả đến với thư viện, càng nhiều người ham mê đọc sách hơn. Tôi sẽ làm hết mình khi nào không còn sức mới thôi. Mục tiêu của tôi cho đến khi không thể tiếp tục đảm nhận việc quản lý thư viện này là sưu tầm được 10.000 đầu sách. Điều đặc biệt, năm 2019, thư viện tăng đột biến với 2.000 độc giả”.

Và sự miệt mài, tận tụy của cụ đã được đền đáp. Ngày 23/3/2019, NXB Giáo dục Việt Nam đã trao tặng 104 đầu sách với 281 cuốn sách (trị giá gần 16 triệu đồng), trong đó có những cuốn sách được yêu thích như: Bộ sách Tri thức bách khoa tuổi trẻ - Mười vạn câu hỏi vì sao, bộ sách Vận động tư duy cùng Kangaroo, Kể chuyện nguồn gốc thành ngữ, tục ngữ, Sống đẹp - Những câu chuyện bổ ích… đây đều là những cuốn sách/bộ sách được lựa chọn phù hợp với đối tượng độc giả ở xã Song Khê.

Ngày 18/4, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Ngày Sách Việt Nam theo Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ diễn ra tại Hà Nội, cụ Đào Quang Huy đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có những đóng góp tích cực để xây dựng thư viện cộng đồng, lan tỏa văn hóa đọc trong nhân dân.

Các sách, báo, ấn phẩm mà cụ Huy mua và sưu tầm, vận động ủng hộ cho thư viện đã bám sát yêu cầu của cơ sở, cập nhật những thông tin mới nhất về chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các đầu sách phổ biến pháp luật phục vụ kịp thời cho việc giải quyết những vấn đề đang bức xúc, thường xảy ra ở cơ sở như: Quản lý đất đai, quản lý dự án đầu tư cấp xã; tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo... 

Các sách cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ cung cấp những kỹ năng tác nghiệp cần thiết để xử lý công việc hằng ngày của cán bộ cấp xã; các đầu sách, ấn phẩm phục vụ thanh, thiếu niên, nhi đồng, sách giáo khoa cho học sinh. Thư viện phục vụ bạn đọc trong cả những ngày Chủ nhật và ngày lễ, Tết… Cụ nói, bất kể thời gian nào, hễ có người đọc sách là cụ vui vẻ “vác tù và hàng tổng”… Ai gọi lấy sách là cụ đạp xe tới, xa thì cụ nhờ con cháu đưa đi… Đến nay, thư viện của cụ giáo Huy chỉ đứng sau thư viện tỉnh và thành phố…

 

Món quà lớn nhất với cụ giáo Huy là những đứa trẻ ngày nào còn đến lễ phép mượn cụ sách, nghe cụ dặn dò giữ gìn sách và trả sách cẩn thận nay đã vào đại học. Hễ có thời gian bọn trẻ đều qua thăm cụ. Đó là những người khiếm thính chờ sách báo cụ nhận về hàng tháng. Đó là những cụ cao niên không thể đi lại vẫn ham mê đọc sách. Và ngay cả bạn đời của cụ, một bà giáo đảm đang nuôi chồng, nuôi con trưởng thành nay cũng luôn có những cuốn sách gối đầu giường…

Và hơn tất cả, sách là một kho tri thức, một món quà vô giá với những ai mang tình yêu với nó. Những đứa trẻ  ở đây lớn lên, dù có đi đâu, sẽ mang theo những kí ức đẹp về một cụ thủ thư thông thái, hiền từ đã đưa chúng tới với thế giới rộng lớn, những khát vọng để chạm tới một ngày không xa. Và với chúng, hình ảnh cụ sẽ mãi còn đó, như quê hương, như miền quê xinh đẹp xứ Bắc. Để mỗi con người khi đã trưởng thành, có một nơi chốn trở về, như cổ tích bình yên và trong trẻo…

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.