Thời gian qua, Báo Đà Nẵng nhận được nhiều đơn thư, phản ánh của người dân ở nhiều khu vực lo ngại việc xây dựng các trạm thu phát sóng thông tin di động (Base Transceiver Station - BTS) gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống lân cận công trình, làm nhiễu sóng truyền hình, ngã đổ đè lên nhà dân trong mùa mưa bão… Điều mà người dân bức xúc là trong cuộc họp tổ dân phố, thôn để lấy ý kiến nhân dân, đa số ý kiến đều không đồng ý, thế nhưng các trạm BTS vẫn được xây dựng, thậm chí có nhiều trạm BTS trong một khu vực nhỏ.
Sóng thông tin di động từ các trạm BTS không ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn trong mùa mưa bão. |
Vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông và được biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau quá trình nghiên cứu cùng các tổ chức tiêu chuẩn hóa như: Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Ủy ban Phòng chống bức xạ ion hóa (ICNIRP) và các tổ chức nghiên cứu độc lập về mối quan hệ giữa hệ thống điện thoại di động và sức khỏe con người… đã kết luận rằng: “Chưa có bằng chứng cho thấy sóng điện từ của các trạm BTS gây ra ảnh hưởng có hại cho sức khỏe con người!”. Năm 2006, Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) đã bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn TCVN 3718-1 : 2005 với giá trị mật độ dòng năng lượng quy định đối với các trạm BTS là 2W/m2, nghiêm ngặt hơn so với giới hạn của nhiều tổ chức và quốc gia trên thế giới (ước tính đối với các trạm BTS, hoạt động tại tần số 900MHz của ICNIRP là 4,5W/m2; của Mỹ, Nhật là 6W/m2; của Anh là 32W/m2...).
Các tính toán ước lượng theo công thức toán học với giả thuyết trong các điều kiện khắc nghiệt nhất, thì tùy công suất phát của trạm BTS (thông thường là 20W) mà giới hạn khoảng cách an toàn từ 10-15m theo phương ngang tính từ chân trụ. Mặt khác, giá trị mật độ dòng năng lượng lại giảm rất mạnh theo khoảng cách (do nghịch đảo với bình phương khoảng cách), do vậy phần lớn các trạm đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn TCVN 3718-1 : 2005 và an toàn cho người dân sinh sống phía dưới và xung quanh trạm. Tuy nhiên, cũng có những lo ngại rằng, có quá nhiều trạm BTS ở trong một khu vực thì sóng có thể cộng với nhau và giá trị mật độ dòng năng lượng vượt lên trên tiêu chuẩn.
Ở các khía cạnh khác, trả lời trước Quốc hội vào chiều ngày 17-11-2009, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết: “Hiện cả nước đã có 42.000 trạm BTS, con số này là không nhiều so với các nước trên thế giới (ở Việt Nam các trạm BTS chủ yếu có công suất 20 W, có một số ít trạm 32 W). Trong thời gian tới, các trạm BTS sẽ tiếp tục tăng do triển khai dịch vụ 3G, sắp tới là 4G để bảo đảm chất lượng sóng. Mỗi trạm chỉ phục vụ được từ 250-2.500 thuê bao, vì thế khi số thuê bao trên từng địa bàn tăng thì số lượng các trạm BTS cũng tăng theo. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, đặc biệt là Cục Quản lý chất lượng thông tin và truyền thông kiểm tra được 25.000 trạm BTS, chỉ có 117 trạm không đạt tiêu chuẩn và đã chỉ đạo khắc phục trước khi hoạt động.
Trong năm 2010, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đẩy nhanh tiến độ kiểm tra tất cả các trạm BTS.” Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong thì cho rằng: “Bộ đã giao cho Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường phối hợp với các Bộ Y tế nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của các trạm BTS đến sức khỏe con người, tập trung vào vấn đề: ung thư, huyết áp, hệ thần kinh... nhưng chưa có bằng chứng khoa học khẳng định sóng của các trạm BTS này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Tâm lý lo ngại của người dân là do công tác tuyên truyền chưa tốt!” Còn theo Tranh tra Sở Thông tin và Truyền thông, về tính toán lý thuyết, các trạm BTS không hề gây nhiễu sóng truyền hình của nhà dân ở lân cận. Thanh tra Sở đã nhiều lần chứng minh cho người dân thấy rõ điều này bằng cách đem ti-vi đặt ở nhiều vị trí xung quanh chân trạm BTS. Còn xét về độ cứng vững, chống chịu với gió bão của các trạm BTS, đơn vị cấp phép xây dựng đã có những yêu cầu rất khắt khe, bảo đảm trạm BTS phải đứng vững trước sức gió mạnh hàng trăm km/giờ. Thực tế trải qua những cơn bão lớn như Xangsane (tháng 10-2006) và ảnh hưởng của bão Ketsana (tháng 9-2009) chưa hề có trạm BTS nào ngã đổ.
Qua đây, cũng đề nghị cơ quan chức năng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động cần phối hợp tuyên truyền, giải thích, vận động, giải tỏa những thắc mắc, bức xúc của người dân.
PHÒNG BẠN ĐỌC