Nhiều hộ gia đình bị sạt nhà bếp và các công trình phụ, đặc biệt sạt lở đã đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân các xã ven sông.
Dọc bờ sông, đoạn từ khu 12 xã Hương Nộn đến đầu thị trấn Hưng Hóa; từ xã Tam Cường đến xã Cổ Tiết và khu vực bến đò Lời (huyện Lâm Thao) có tổng chiều dài cả kilômét đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng. Sạt lở đã khiến hàng chục hecta đất bãi trồng trọt hoa màu bị cuốn trôi theo dòng nước, gây ảnh hưởng đến tài sản và uy hiếp tính mạng của người dân.
Bà Trần Thị Dung, xã Hương Nộn cho biết, từ năm 2015 đến nay sạt lở đã làm nhiều diện tích đất vườn trồng quanh nhà trôi xuống sông. Do mỗi năm sạt một ít với độ cao lên đến cả gần 10 mét dẫn đến hiện nay nền nhà và tường nhà đã bị nứt, xé, nguy cơ sạt mất nhà là rất dễ xảy ra nếu không được xử lý kịp thời…
Sạt lở ngay mép nhà dân. |
Tường nhà ông Lê Văn Thành, khu 3, xã Hương Nha nứt do sạt lở. Ảnh: Xuân Hồng. |
Theo lãnh đạo các xã, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở là do thay đổi dòng chủ lưu, mặt khác ở một số điểm sạt lở đã được Nhà nước đầu tư kè mỏ hàn, kè chân trong khi đó một bên chưa được kè nên nguồn nước lên cao đã làm thay đổi dòng chảy dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng.
Còn tại xã Hương Nha, 2 năm trở lại đây việc sạt lở lại diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn, nước đã “ăn sâu” và nuốt chửng nhiều chuồng bò, chuồng lợn và lấn sát mép công trình phụ, uy hiếp trực tiếp đến khu vực dân sinh của 14 hộ dân trong xã
Theo ông Lê Văn Thành, khu 3, xã Hương Nha, trước đây nhà ông Thành cách mép sống vài chục mét, toàn bộ diện tích đất được gia đình ông trồng các loại cây ăn quả và trồng rau nhưng do sạt lở nghiêm trọng nên toàn bộ diện tích đất trồng cây bị sạt xuống sông. Hiện các công trình phụ và nhà bếp của gia đình ông Thành chỉ cách mép sông chừng 4 mét, có đoạn chỉ cách 2 mét…
Thông tin cho báo chí, ông Cao Thành Đức, Chủ tịch UBND xã Hương Nha, huyện Tam Nông cho biết, sạt lở trầm trọng từ năm 2009, mạnh nhất từ năm 2010 cho đến nay. Xã Hương Nha có tổng chiều dài ven sông khoảng 2,2km. Năm 2011 và 2013 tỉnh Phú Thọ đã cho kè chân 800m. Tuy nhiên, hiện nay một phần kè đã bị sạt xuống sông, gây tâm lý hoang mang lo sợ cho người dân.
Chính quyền xã Hương Nha đang nỗ lực tiến hành công tác vận động hỗ trợ di dời nhà ở cho 14 hộ dân nhưng còn gặp nhiều khó khăn do không có kinh phí, thêm vào đó kinh tế của các hộ ven sông phụ thuộc vào bãi đất bồi khoảng 20ha nằm giữa sông để trồng cây ăn quả, hoa màu nên việc vận động di dời càng trở nên khó khăn hơn…
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Bình, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ cho hay, do nguồn lực của Nhà nước và của tỉnh có hạn nên chỉ ưu tiên xử lý những khu vực có nguy hiểm trực tiếp ảnh hưởng đến an toàn của người dân cũng như an toàn của công trình đê điều, chúng tôi luôn cảnh báo đối với chính quyền các địa phương cũng như người dân phải chủ động trong việc sơ tán người và tài sản khi sạt lở xảy ra… Trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ rà soát toàn bộ những địa phương bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, báo cáo lãnh đạo tỉnh để có phương án xử lý kịp thời…
Trong khi đó, người dân huyện Tam Nông nói chung, người dân các xã ven sông nói riêng mong muốn các ngành liên quan sớm có biện pháp xử lý khẩn cấp để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão năm nay.