Theo báo cáo về công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước của Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi An Hải, nguồn nước sông Rế (Hải Phòng) đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất nước sạch phục vụ dân sinh và nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất.
Người dân lấn chiếm hành lang bảo vệ sông |
Rác thải trút xuống sông
Sông Rế dài hơn 10km chảy qua địa bàn huyện An Dương là nơi cung cấp nước tưới cho hơn 10.000ha cây trồng trên địa bàn, đồng thời đây cũng là dòng sông cung cấp nguồn nước thô sản xuất nước sạch phục vụ dân sinh của TP Hải Phòng với sản lượng trung bình 45 triệu m3. Tuy nhiên, sông Rế hiện nay đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Sinh Lương - Phó giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi An Hải - đơn vị trực tiếp quản lý hệ thống sông cho biết: Là đơn vị trực tiếp quản lý và khai thác nguồn nước sông, công ty luôn xác định nhệm vụ trọng tâm, yếu tố sống còn của công ty là bảo vệ công trình, bảo vệ nguồn nước. Tuy nhiên, do hệ thống sông dài, qua nhiều vùng dân cư, khu công nghiệp, bệnh viện, nguồn nước thải chưa qua xử lý xả vào hệ thống sông gây ô nhiễm nghiêm trọng. Thêm vào đó, nhiều địa bàn dân cư chưa có ý thức thu gom rác thải, bảo vệ nguồn nước nên họ thường xuyên xả rác thải, nước thải xuống lòng sông.
Theo quan sát của phóng viên, dọc theo trục sông Rế chảy qua địa bàn huyện An Dương, các hộ dân ven sông rất thiếu ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, đặc biệt là các hộ kinh doanh. Các hộ này dựng lều quán bán hàng ven bờ sông, sau mỗi buổi bán hàng tất cả các loại rác thải được trút xuống lòng sông mà điển hình nhất là khu vực cầu Rế - thị trấn An Dương.
Theo ông Lương, tính đến tháng 7/2012 có 312 trường hợp lấn chiếm vi phạm pháp lệnh khi thác và bảo vệ công trình thủy lợi, tính riêng 7 tháng đầu năm 2012 có 104 trường hợp lấn chiếm trong đó 22 trường hợp đã giải tỏa.
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Xuân Trường - Chuyên viên Phòng Tài nguyên Môi trường huyện An Dương cũng thừa nhận, trong quá trình sản xuất người dân sử dụng một lượng lớn thuốc trừ sâu và phân bón làm cho nguồn nước sông ô nhiễm nghiêm trọng, ngoài ra ven bờ sông có một số nghĩa địa "hung táng' người chết góp thêm phần ô nhiễm nguồn nước sông Rế.
Chính quyền không thể thờ ơ
Trước báo động về tình trạng ô nhiễm và lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, Công ty khai thác công trình thủy lợi An Hải đã có nhiều biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, như tuyên truyền cho người dân nhận thức về tầm quan trọng của nguồn nước, cắm mốc chỉ giới bảo vệ nguồn nước, đầu tư mua sắm thiết bị phục vụ kiểm tra, quản lý, giao khoán cho công nhân quản lý, cắt cỏ, với bèo, vớt rác trên hệ thống sông để giảm thiểu nguồn ô nhiễm
Ông Lương cho rằng, về lâu dài, cần xử lý nghiêm khắc các trường hợp lấn chiếm vi pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi mà trước hết là các hộ dân ven sông dọc theo thị trấn An Dương và địa bàn xã An Đồng, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp xả thải ra hệ thống sông, đặc biệt là các doanh nghiệp và các cơ quan đóng ven sông.
Tuy nhiên, cái khó của các cơ quan là nguồn vốn để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Về điều này, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa An Dương cho biết: Nguồn nước thải y tế và nguồn nước thải bề mặt của bệnh viện hiện nay là vấn đề hết sức nan giải.
“Mặc dù bệnh viện đã được sự quan tâm của Sở Y tế, Sở Tài chính, cấp vốn tu sửa hệ thống xử lý nước thải, nhưng nguồn vốn có hạn nên chúng tôi chỉ làm được một phần, chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn và hệ thống thoát nước riêng biệt nên chúng tôi vẫn phải xả ra hệ thống mương cách sông Rế chừng 300m” – vị này thừa nhận.
Để xử lý ô nhiễm môi trường trên hệ thống sông Rế, rất cần sự chung tay, vào cuộc và quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, các ban ngành thành phố để giải quyết triệt để các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước, xâm hại đến hành lang bảo vệ sông và đầu tư tu bổ, sửa chữa các hạng mục công trình phục vụ công tác quản lý và khai thác trên sông Rế.
Tiến Dũng