“Sóng gió” từ đề nghị đòi triệu tập
Đó là vụ án “giao cấu với trẻ em” ở huyện An Phú (tỉnh An Giang) từng gây xôn xao dư luận. Nhắc đến vụ án “không phải “tác giả” vẫn bị truy tố tội giao cấu với trẻ em”, hầu như người dân nào vùng biên giới này đều biết ai là bị hại, ai là bị cáo và những người liên quan.
“Năm 2012, tôi được mời bảo vệ cho người bị tố cáo từ khi có đơn tố giác. Tôi cùng người thân thân chủ tìm đến nhà bé gái bán vé số này. Bất ngờ một vị tự xưng cán bộ gọi điện hỏi han. Tôi sinh nghi vì sao người này lại quan tâm một người xa lạ, không quen biết”, LS Hiệp kể.
Sau khi tiếp cận hồ sơ, LS Hiệp thấy vị cán bộ trên có tên trong 4 bút lục, là những bản lời khai khác nhau của bé gái. Nội dung bản khai nêu khi bé gái tới gặp bị cáo (là thân chủ của LS Hiệp) thì bị cáo nói tới gặp vị cán bộ kia “để mà lấy tiền đi phá thai chứ không liên quan đến tôi”.
Thời điểm năm 2012, khi có đơn tố cáo, bé gái bán vé số đang mang thai. Sau khi bị hại sinh con, CQĐT tiến hành giám định ADN 3 lần, ở 3 cơ quan khác nhau. Cả 3 lần đều cho thấy kết quả thân chủ của LS Hiệp không phải cha đứa trẻ mới sinh. Dù vậy thân chủ của LS Hiệp vẫn bị khởi tố, truy tố, đưa ra xét xử.
“Tố cáo từ năm 2012 đến năm 2015 thân chủ tôi mới bị khởi tố và tháng 2/2016 mới xét xử sơ thẩm lần 1. Tới thời điểm xử sơ thẩm, thủ phạm gây ra bào thai vẫn chưa biết là ai. Do đó là LS vừa bào chữa cho thân chủ, vừa bảo vệ pháp luật, tôi có quyền nghi vấn thủ phạm là bạn trai của bé gái, hay người nào đó có tên trong lời khai của bé gái, trong đó có vị cán bộ trên”.
Ở phần thủ tục, chủ tọa hỏi: “LS có cần triệu tập thêm ai hay không?”. LS Hiệp đề nghị triệu tập vị cán bộ trên, khi đó đang công tác trong một cơ quan bảo vệ pháp luật tại An Giang. Đề nghị đó không được chủ tọa đồng ý và chủ tọa cũng không hề nhắc nhở hoặc lưu ý LS điều gì khi đòi triệu tập vị cán bộ này.
Mọi việc cứ trôi qua, cho đến khoảng tháng 6/2016, LS Hiệp nhận được giấy mời của Công an huyện An Phú vì bị tố cáo có hành vi “làm nhục người khác”.
“Tôi tìm hiểu thì biết, vị cán bộ bị tôi đòi triệu tập đến tòa sau đó cho rằng vì yêu cầu của tôi mà bạn bè ông này thường “hỏi thăm và những bình luận trên mạng nên cảm thấy nhục”, từ đó có đơn tố cáo. Sự thật thì tôi không hề làm nhục, không vu khống, vì hồ sơ có tên ông ta. Tôi cũng không bị chủ tọa nhắc nhở nên không đến công an theo giấy mời. Điều kỳ khôi là cả vợ vị cán bộ này cũng có đơn tố cáo dù tôi không hề nhắc đến bà ấy, thậm chí không biết bà ấy là ai”.
“Thấy giấy mời không xi nhê gì, họ tiếp tục gửi giấy triệu tập. Công an huyện An Phú vừa mời, vừa triệu tập tôi khoảng 6 lần. Tôi không đến thì họ lên tận phường nơi văn phòng tôi có trụ sở để gặp. Lần đó họ hỏi mấy câu, tôi giải thích, nêu rõ diễn biến sự việc và các quy định về tội “làm nhục”. Trong đơn của vị cán bộ, ông không cảm thấy nhục với lời tôi nói mà là “nhục” khi bị bạn bè dùng lời của tôi để “hỏi thăm”, do đó không đúng chủ thể của tội làm nhục. Sau đó huyện chuyển hồ sơ lên công an tỉnh”, LS Hiệp kể.
LS Huỳnh Phước Hiệp là Giám đốc Công ty Luật TNHH Hãng Luật Hiệp Định |
Hết đòi “hình sự hóa”, lại đòi kỷ luật
Công an tỉnh An Giang tiếp tục “triệu tập” LS Hiệp để điều tra về đơn tố giác “làm nhục người khác”. Nhiều LS đồng nghiệp thấy sự việc có dấu hiệu “vô thiên vô pháp” nên nhất quyết đòi đi cùng xuống làm việc. Các LS đều phẫn nộ trước sự việc vô lý.
“Tại buổi làm việc, tôi tiếp tục khẳng định không làm nhục vị cán bộ nêu trên. Sau đó họ có triệu tập tôi một vài lần nhưng tôi không đến. Lý do là thời hạn giải quyết tin báo tội phạm đã hết. Từ khi ông ấy làm đơn đến khi Công an tỉnh An Giang thụ lý là hơn 1 năm, nhưng theo quy định chỉ có 4 tháng. Tổng cộng hai nơi triệu tập tôi khoảng 10 lần”.
“Một thời gian dài sau, cơ quan công an ra một văn bản nói rằng không xử lý hình sự tôi với lý do vị cán bộ kia “rút đơn”. Và họ cho rằng tôi “vi phạm đạo đức nghề nghiệp LS” nên đề nghị Đoàn LS TP HCM kỷ luật. Việc họ tự kết luận hành vi của tôi “chưa đến mức truy cứu hình sự nhưng vi phạm đạo đức nghề nghiệp” là hoàn toàn trái luật. Tôi phát ngôn trong phiên tòa nên chỉ có HĐXX mới có quyền kiến nghị, đề nghị hoặc lập biên bản việc tôi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, HĐXX chưa bao giờ có văn bản kiến nghị hoặc ngay ở phiên tòa nhắc nhở tôi là làm ảnh hưởng đến uy tín của ông nọ, bà kia”. Vẫn lời LS Hiệp: “Mục đích của họ là triệt hạ nghề nghiệp của tôi”.
Đoàn LS TP HCM trả lời rằng với những thông tin mà công an và vị cán bộ cung cấp không đủ để kỷ luật LS Hiệp. Vị cán bộ kia vẫn không chấp nhận, lại có đơn gửi công an trích lục toàn bộ biên bản phiên tòa, một số bài báo, người làm chứng, cả bị hại… rồi tiếp tục gửi đơn lần hai, yêu cầu Đoàn LS TP HCM kỷ luật LS Hiệp. Lại tiếp tục những buổi giải trình. Đoàn LS TP HCM tiếp tục không chấp nhận đơn, khẳng định LS Hiệp không vi phạm kỷ luật, không vi phạm đạo đức.
Vụ án đó kéo dài 7 năm, phiên tòa được mở đến 6 lần. “Vì có camera giám sát suốt phiên tòa nên tôi rất cẩn thận ngôn từ, tiết chế; thế nhưng vẫn gặp rắc rối. Chỉ một đề nghị theo căn cứ trên hồ sơ mà suốt 3 năm vị cán bộ đó hết tố cáo tôi ở công an rồi đến Đoàn LS TP HCM”, LS Hiệp nói.
“Bao nhiêu năm hành nghề, tôi chưa từng gặp hoàn cảnh trớ trêu như vậy. Qua vụ việc đó, tôi nhận được nhiều kinh nghiệm, nhất là từ việc phát ngôn. Mình chỉ cần nói sai một lời là có thể rắc rối”.
“Gặp nhiều bạn trẻ mới hành nghề luật, tôi cũng có lời khuyên chân thành như trên. Cẩn thận vẫn hơn. Dù không sai nhưng thực lòng tôi vẫn cảm ơn vị cán bộ kia. Ông ta cho tôi một bài học đắt giá, một kinh nghiệm không dễ gì có được. Nhưng không phải vì thế mà tôi chùn bước”, LS Hiệp chia sẻ.
Tại Việt Nam, vẫn còn một số quan niệm, cách hành xử sai lầm với luật sư. Nó thể hiện ra bằng một số thái độ, hành động không đúng mực giữa viên chức điều tra xét xử với luật sư trong giải quyết các vụ án.
Có người sai lầm cho rằng hoạt động hành nghề của luật sư là “vẽ đường cho hươu chạy, xui bị can, bị cáo đối phó và gây khó khăn cho công tác điều tra, xét xử”. Có người khuyên đương sự “không nên nhờ luật sư vì thêm tốn tiền. Luật sư chỉ là những người tham gia tố tụng. Người tiến hành tố tụng mới có quyền ra quyết định hoặc phán quyết”.
Hiện tượng luật sư bị gây khó khăn trong tiếp xúc bị can, bị cáo vẫn còn xảy ra. Việc khắc phục các hiện tượng cố tình gây cản trở luật sư hành nghề đã được nói đến nhiều nhưng vẫn chưa có sự chuyển biến như mong đợi.
Trong xã hội, phần đông người dân chỉ tìm đến luật sư chỉ khi gặp rắc rối với pháp luật. Các cuộc điều tra xã hội học cho thấy số người tin vào kết quả của luật sư bảo vệ được công lý cho thân chủ còn thấp.
Còn có tình trạng không ít viên chức thiếu thực tâm trong ủng hộ hoạt động hành nghề của luật sư vì lo ngại hoạt động của luật sư sẽ gây khó khăn cho công việc của họ.