Phường Hòa Hiệp Bắc hiện có hơn 3.600 hộ dân sinh sống và gần 40 cơ quan, đơn vị hoạt động. Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước ngầm do các nhà máy, xí nghiệp trong Khu công nghiệp Liên Chiểu gây ra đã trở thành vấn đề bức xúc dai dẳng của người dân nơi đây. Sống trong môi trường ô nhiễm, từ lâu, người dân phường Hòa Hiệp Bắc mong muốn được sử dụng nước sạch, song ước mơ chính đáng này của họ đến nay vẫn chưa thành hiện thực.
Dân sử dụng nước bẩn
Sông Cầu Trắng tại phường Hòa Hiệp Bắc bị ô nhiễm nặng. |
Tình trạng ô nhiễm môi trường do các nhà máy, xí nghiệp trong Khu công nghiệp Liên Chiểu gây ra đã khá lâu. Hằng ngày, người dân phường Hòa Hiệp Bắc phải gánh chịu đủ các thứ chất thải ô nhiễm như: khói, bụi, mùi hôi… Đáng lưu ý, hồi giữa tháng 5-2010, các nhà máy, xí nghiệp trong Khu Công nghiệp Liên Chiểu xả nước thải chưa qua xử lý đã làm các loại thủy sản chết hàng loạt trên sông Cầu Trắng. Nguy hiểm hơn, dòng nước đen sì, hôi thối, đặc quánh của sông Cầu Trắng đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm mà người dân sống dọc hai bên bờ sông dùng sinh hoạt hằng ngày.
Ông Ngô Kim Quy, tổ trưởng tổ 8, phường Hòa Hiệp Bắc cho biết, do nước sông bị ô nhiễm, thời gian qua, giếng bơm của gia đình ông và nhiều hộ dân trong khu vực có mùi tanh nồng khó chịu. Lo sợ bệnh tật, gia đình ông chỉ dám dùng nước giếng vào việc tắm, giặt giũ, hằng ngày mua nước bình về uống và nấu ăn.
Cũng như gia đình ông Quy, nhiều hộ dân sống ở các tổ dân phố 7, 8 dọc bờ sông Cầu Trắng bức xúc: Trước đây, nước giếng đóng bà con sử dụng rất ngọt. Nhưng từ ngày sông Cầu Trắng bị “đầu độc”, nước giếng của nhiều hộ dân có dấu hiệu tanh nồng, khó chịu. Với những gia đình có điều kiện thì mua nước đóng bình về uống, còn những gia đình khó khăn, chỉ còn cách nhắm mắt mà sử dụng nước giếng bẩn.
Còn tại tổ 4, chị Nguyễn Thị Thúy bức xúc nói: Lâu nay, gia đình tôi sinh hoạt bằng nước giếng khoan. Biết nước tại khu vực này ô nhiễm nhưng vẫn phải dùng vì ở đây chưa có hệ thống nước máy. Khổ nhất là vào mùa mưa, nước ngập nửa người kèm theo bao nhiêu rác thải ô nhiễm, lo sợ ảnh hưởng xấu sức khỏe, gia đình tôi phải mua nước bình về uống.
Bức xúc trước thực trạng nguồn nước giếng bị ô nhiễm, người dân đã nhiều lần kiến nghị UBND phường Hòa Hiệp Bắc tạo điều kiện thuận lợi để họ được sử dụng nước thủy cục, nhưng đến nay những yêu cầu chính đáng này vẫn chưa được đáp ứng.
Nước sạch: chờ đến bao giờ?
Theo tìm hiểu, ngày 23-10-2008, UBND thành phố Đà Nẵng đã có công văn chỉ đạo Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước của Nhà máy nước Hải Vân để phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân phường Hòa Hiệp Bắc. Theo đó, trong năm 2008, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng phải hoàn thành việc lắp đặt hệ thống nước sạch cho 80 hộ dân ở hai tổ 29, 30. Và trong năm 2009, công ty hoàn thành việc lắp đặt nước sạch cho các tổ dân phố còn lại trên địa bàn phường. Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng mới chỉ hoàn thành việc kéo nước sạch về cho người dân ở hai tổ 29 và 30, các tổ dân phố còn lại, đến nay vẫn chưa tiến hành việc lắp đặt đường ống nước.
Trước thực trạng trên, trong báo cáo gửi UBND quận Liên Chiểu ngày 2-8-2010, ông Trần Văn Tề, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc phản ánh: Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã có kết luận, giao trách nhiệm cho Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước để phục vụ nhân dân khu vực phường Hòa Hiệp Bắc. Tuy nhiên, từ đó đến nay việc triển khai lắp đặt đường ống nước trong khu dân cư, do Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng tiến hành quá chậm.
Trước nhu cầu bức thiết của nhân dân, ngày 30-6-2010, UBND phường Hòa Hiệp Bắc đã họp với Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng và đề nghị công ty đẩy nhanh tiến độ lắp đặt đường ống chính trong các khu dân cư. Nhưng đến nay việc lắp đặt đường ống vẫn chưa được triển khai. Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng thiếu thiện chí trong việc triển khai dự án, dẫn đến việc chậm trễ kéo dài, gây thiệt thòi và bức xúc trong nhân dân. Hơn nữa, lượng nước tại Nhà máy nước Hải Vân hiện rất hạn chế (nhất là vào mùa hè), không đủ lượng nước để cung cấp cho khu công nghiệp và nhân dân trên toàn địa bàn phường.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, cán bộ Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng cho biết: Năm 2008, công ty đã lắp đặt hệ thống nước sạch tại tổ 29, 30 theo chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng. Công ty chủ trương cho các hộ dân trả góp 20% chi phí lắp đặt và khuyến mãi 50% chi phí sử dụng nước trong 6 tháng đầu cho các hộ khó khăn và 4 tháng đầu cho các hộ khác, nhưng nhân dân trên địa bàn vẫn không đồng ý sử dụng. Trước tình hình trên, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng đã đề nghị UBND phường Hòa Hiệp Bắc vận động nhân dân trong vùng sử dụng nguồn nước sạch của công ty nhằm bảo đảm sức khỏe, thế nhưng, nhân dân vẫn không đấu nối nguồn nước để sử dụng. Xét thấy tình hình trên, công ty đã ngừng lắp đặt các đường ống nước tiếp theo cho các hộ dân cư còn lại vì nếu người dân không sử dụng mà vẫn lắp đặt sẽ rất lãng phí, trong khi đó, chi phí lắp đặt đường ống nước lại khá cao.
“Nếu bây giờ người dân có nhu cầu sử dụng nước sạch, thì trong hai tháng 8 và 9-2010, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng sẽ tiếp tục kéo đường ống về các tổ dân phố còn lại để bà con đấu nối. Tuy nhiên, sau khi dẫn nước về các tổ dân phố, chính quyền địa phương cũng cần có trách nhiệm vận động người dân sử dụng nước sạch, nếu không thì sẽ rất lãng phí”, ông Tuấn nói.
Bài và ảnh: NGUYỄN HƯƠNG