Chuông báo cháy hoạt động theo cảm hứng, vệ sinh chung nhếch nhác, bình gas đun nước tắm mới dùng đã hoen rỉ, rò khí gas sực nức; điều hòa chưa khi nào xuống dưới 30oC; khách đến chơi buổi tối, khi về “ngậm đắng” với 140.000 đồng phí giữ ôtô… Đó là thực tế đang diễn ra ở chung cư Golden Westlake (GW), số 151 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.
Sau khi VietNamNet phản ánh tình hình nước ô nhiễm tại toà nhà cao cấp nhất Hà Nội, đại diện cư dân sống tại GW đã liên hệ với PV để thông tin một loạt bức bối khác mà nhiều tháng nay họ chưa được chủ đầu tư toà nhà là Công ty Hà Việt TungShing và Công ty quản lý Leonidas giải quyết thoả đáng.
Chỉ vì nghe theo hai chữ “đẳng cấp” mà cả trăm hộ dân đang sống ở khu chung cư sang trọng bậc nhất này chưa ngày nào bình yên.
Cơ cực từ ăn, ở...
Mới chuyển đến sống tại căn hộ E2301, gia đình chị N.T.H ngày 15/7 đã phải “ra mắt” láng giềng bằng một email không hề mong muốn với nội dung thắc mắc, than thở, kèm tham khảo kinh nghiệm.
Cứ mỗi lần đun nước nóng để tắm (bằng bình gas và hệ thống do chủ đầu tư thiết kế và cung cấp), mùi gas sực lên “khủng khiếp đến ngạt thở”, nhất là tại phòng khách của căn hộ. Gọi thợ lên sửa chữa thì lý do là lửa quá to, nhưng sau khi thợ về, tình trạng rò khí gas vẫn tiếp diễn.
Ban đầu để khắc phục, giải pháp tình thế của chị H là mở hết cửa mỗi khi đun nước tắm cho thông thoáng, nhưng nhiều hôm mà gần đây nhất là tối 14/7, con thiêu thân bay vào nhà bu kín khiến chị không dám mở cửa. Và kết quả là mùi gas nồng nặc đến nỗi suýt ngạt: “nếu bật bình đun nước thì người ở trong phòng khách chắc chỉ 30 phút là chết vì ngạt gas, hoặc có thể nhanh hơn” – chị nói.
Từ hôm đó, cả gia đình kiên quyết không dùng thiết bị này, bất kể phải cho con tắm bằng nước lạnh hoặc “cho xuống bể bơi vầy rồi lên tắm”; đồng thời, anh chị tính toán chuyển sang dùng bình điện và bếp từ để được an toàn.
Bình gas đun nước tắm chưa dùng đã hoen rỉ cả trong vào ngoài phổ biến ở nhiều căn hộ của GW - Ảnh: C.N |
Trước đó, ngày 4/4, chủ căn hộ 1506W khi dọn vào ở lại gặp tình huống không thể thông gas. Sau 1 ngày, kỹ thuật viên phát hiện bếp thiếu phụ kiện, lắp đặt không đúng vị trí nên phải thay bếp. Tuy nhiên, gas thông sau đó gặp hiện tượng “kinh hoàng”: lửa bùng ra từ trong tường, phải dỡ hẳn tủ bếp, đục tường mới phát hiện hở ống dẫn.
Hơn nữa, tình cảnh chung mà nhiều hộ khác phản ánh là bình gas và thiết bị đun nước tắm hầu hết đều đã rỉ sét dù mới sử dụng chưa lâu, khiến họ vừa dùng vừa run. Đáng nói là việc sử dụng bình gas “quá cồng kềnh, phức tạp và bất tiện” như vậy để đun nước tắm cũng nằm ngoài sự tưởng tượng ban đầu của người dân đối với một khu nhà cao cấp.
Chị C.N – chủ một căn hộ ở tầng 6 toà phía Tây cho rằng thiết kế ban đầu không hề nhắc tới chi tiết này. “Chủ đầu tư đầu tiên quảng cáo cái khoang ở ban công sẽ có hệ thống sấy quần áo, nghe rất hoành tráng nhưng cuối cùng, máy giặt họ cung cấp lại không có chức năng sấy, nên họ biến chỗ đó thành nơi để bình gas. Vì vậy giờ giặt giũ xong, bà con cứ tự tung tự tác, phơi tá lả từ quần áo đến chăn chiếu ra ban công, trông không khác gì một cái chung cư rẻ tiền” – chị bất bình.
Còn chị Nga, chủ căn hộ E1105 thì ngờ vực: “Đi các nước xung quanh nhưng tôi chưa thấy ở đâu dùng loại bình đun kiểu này cả, có lẽ loại này chỉ dùng cho những căn hộ thu nhập thấp ở HongKong và Trung Quốc đại lục mà thôi... Thế mới biết, chủ đầu tư coi thường tính mạng của cư dân mình quá”.
Không chỉ gas hở, nước ô nhiễm có váng vàng, mà hệ thống điều hoà và báo động chữa cháy do chủ đầu tư trang bị cũng là một nỗi thống khổ của các hộ.
Do công suất thường rất thấp so với diện tích và tiêu chuẩn của phòng khách của các căn hộ nên nhiệt độ ở đây hầu như chưa bao giờ xuống thấp hơn 29oC. Chị H. chủ căn hộ E2301 mô tả: “điều hoà nhà mình toàn 32-33oC. Sau khi bảo trì thì xuống 31o. Bật từ 6h-8h sáng, chiều bật từ 5h-8h vẫn không thấy khá hơn... Mình đã trang bị quạt để hỗ trợ thêm”.
Riêng hệ thống báo cháy thì hoạt động rất bất thường và khó lường. Đơn cử ngày 11/6, chuông báo cháy khởi động vô cớ tại căn hộ 1006W dù trong nhà không có bất cứ hoạt động nấu ăn, thắp hương, thắp nến nào, khiến một cụ bà 92 tuổi và cô giúp việc liên tục gọi điện xuống lễ tân suốt 90 phút nhưng không có ai lên kiểm tra. Sau đó chuông tự tắt. Hoặc có lần nhà W611 nướng bánh mỳ buổi sáng thì bánh bị cháy, khói bốc lên, 7h sáng chuông báo khói đã kêu, nhưng cả tiếng đồng hồ sau, mặc cho chủ nhà gọi điện báo lễ tân mà cũng chẳng có ai lên xử lý...
... đến đi lại, giải trí
Phàn nàn về sự thiếu đồng bộ, tiện nghi và không hoàn thiện của các hạ tầng như thang máy, truyền hình cáp cũng là câu chuyện hài hước của các cư dân hạng sang. Với truyền hình cáp, vấn đề là dù đường mạng cáp rất tốt nhưng chủ đầu tư chỉ cung cấp cho các chủ căn hộ một dịch vụ truyền hình không phổ biến như các kênh tôn giáo, các nước xa lạ với chất lượng truyền hình kém, mất tín hiệu, bị nhiễu sóng của Trung Quốc...
Không có hệ thống sấy quần áo như chủ đầu tư đã "hứa", các cư dân "tự tung tự tác" trên ban công khiến bộ mặt của toà nhà hạng A không khác là bao với các toà nhà hạng B, C - Ảnh: C.N |
Rõ ràng thời điểm năm 2006 khi chủ đầu tư bắt đầu rao bán căn hộ tại GW, giá tại đây so với mặt bằng tại khu cao cấp như Ciputra (Tây Hồ, Hà Nội) đã đắt hơn khoảng gấp 2-3 lần. Với chất lượng và đẳng cấp được Hà Việt TungShing tuyên bố bằng chữ “luxury” (sang trọng, xa xỉ), nhiều người đã bỏ một số tiền giá trị lúc đó chỉ với kỳ vọng sẽ được ở một nơi rất “xịn”, quản lý chuyên nghiệp.
Nhưng đến năm 2009, khi được nhận nhà thì hoá ra không phải như vậy. Từ mặt mỹ thuật, kỹ thuật khi bàn giao nhà chưa thuyết phục người ở, mà khâu dịch vụ, điều hành, quản lý khi đi vào hoạt động cũng rất thiếu chuyên nghiệp. Một trong số đó là việc phát sinh những chi phí cắt cổ.
Ban đại diện hộ dân bức xúc, thời điểm tháng 6/2010 trở về trước, khách của cư dân đến chơi thường phải trả phí đỗ xe ôtô là 20.000 đồng/giờ, từ 20h trở ra là 40.000 đồng/giờ. Có những cư dân mời bạn bè đến nhà ăn tối từ 18-23h thì khi về, họ cứ phải trả khoảng 140.000 đồng/xe. Đến ngày 6/6, một cư dân quá bực, cho rằng cách hành xử như vậy là cô lập người dân sở tại, đã lên tiếng tranh đấu thì chủ đầu tư mới tạm thời đồng ý giảm còn 10.000 đồng cho 2 giờ gửi xe.
Ngoài ra, với phí dịch vụ thu của mỗi hộ là 0,88cent/m2/tháng (tương đương với 16.000 đồng) – vượt quá khung giá quy định của Nhà nước là 8.000 đồng/m2/tháng, vậy mà phong cách phục vụ, hành xử của đơn vị điều hành ở đây lại rất phó mặc, thiếu trách nhiệm; vệ sinh và tiện ích chung từ hành lang, bể bơi, hầm đỗ xe... thường nhếch nhác vì ít người dọn dẹp.
Chính vì đấu tranh đơn lẻ không có kết quả, cách đây ít lâu, tất cả cư dân đã thống nhất bầu ra một Ban đại diện lâm thời - thay mặt người dân mời Chủ tịch và Giám đốc Điều hành tập đoàn TungShing từ HongKong sang làm việc. Tại cuộc đàm phán ngày 26/6, hai bên đã thoả thuận thống nhất 15 vấn đề. Song từ đó đến nay, gần 2 tháng trôi qua, rất nhiều nội dung chủ đầu tư hứa hẹn mà không thấy hành động.
“Chuẩn mực này, toà nhà này chỉ đáng 3 sao thôi, chứ không phải 5 sao như người ta quảng cáo. Vấn đề mà chúng tôi muốn cảnh tỉnh ở đây là chủ đầu tư nước ngoài không phải ai cũng giữ uy tín. Do đó khi lựa chọn nhà đầu tư thì phải tìm hiểu cặn kẽ năng lực, kinh nghiệm. Đừng nghĩ cứ mác nước ngoài là yên tâm bỏ tiền vào” - chị C.N – một thành viên Ban đại diện đúc kết.
- Nguyễn Nga