Sông Bưởi, được bắt từ dòng chảy đầu nguồn thuộc địa phận huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) chảy về qua xã Thạch Lâm, Thạch Vinh, Thạch Mỹ, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).
Khoảng 2h sáng ngày 7/5, nhiều hộ nuôi cá xã Thành Vinh, Thạch Mỹ và Thạch Cẩm, huyện Thạch Thành phát hiện nước sông Bưởi bắt đầu đổi màu, có mùi hôi, hắc khác lạ bốc mùi mật mía... Cá trong lồng nuôi nhảy bất thường rồi nổi lập lờ, ngửa bụng trong lồng chết bất thường.
Ông Bùi Văn Hùng - xã Thạch Cẩm, huyện Thạch Thành nhìn cá chết xót đứt ruột cho biết, đến khoảng 8h sáng thì cá chết toàn bộ cá trong lồng, con lớn tầm đã 7kg, con nhỏ cũng tầm 1-2kg người dân thấy cá chết nhiều, còn tươi, nên đã kéo nhau xuống vớt lên trên lồng cá...
Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Báu bất lực nhìn cá chết rớt nước mắt đứng trước gần 3 tấn cá trắm chết vừa vớt lên trên mặt lồng cho biết, “Gia đình tôi dốc hết vốn liếng nuôi cá, bây giờ cá chết hết mất hết rồi biết sống vào đâu(!?). Nếu tính theo giá thị trường khoảng 150nghìn/kg, thì gia đình tôi thiệt hại ít nhất 160 triệu đồng. Để đến cuối năm, lượng cá bán sẽ lãi từ 200-300 triệu. Giờ mất sạch...”.
Sông Bưởi cá lồng bè chết hàng loạt. |
Theo tìm hiểu của PV được biết, một gia đình ở xã Thành Mỹ lấy cá chết cho lợn ăn, lợn lăn ra chết. Một gia đình khác thấy cá còn tươi nên nấu ăn, cả nhà đau bụng...
Theo thống kê ban đầu của UBND xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành cho biết, sáng 7/5, tổng cộng có 14 tấn cá lồng bè chết trắng, xã Thành Vinh có khoảng 20 lồng cá chết gần hết số cá chết lên đến 10,2 tấn. Còn lại cá chết ở các xã Thành Mỹ, Thạch Cẩm, Thạch Lâm...
Sáng 7/5, ông Nguyễn Đức Quyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa- cùng các ông Lưu Trọng Quang – Phó Giám đốc sở TN&MT – ông Lê Văn Đốc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT và nhiều cán bộ các sở, ngành có mặt hiện trường cá chêt hàng loạt.
Ông Lê Văn Bình – Chi Cục trưởng Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Thanh Hóa cho biết, nguyên nhân khiến dòng sông Bưởi ô nhiễm nặng, cá chết hàng loạt ban đầu được xác định do Cty Cổ phần mía đường Hòa Bình (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) xả thải trực tiếp ra môi trường.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Quyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xác nhận, nguyên nhân gây cá chết hàng loạt do nhà máy mía đường Hòa Bình.
“Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các cơ quan liên quan tỉnh Hòa Bình nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, khởi tố vụ án hình sự với hành vi xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng này”. – Ông Quyền cho biết thêm.
Tại hiện trường, ông Nguyễn Đức Quyền cũng đã chỉ đạo huyện Thạch Thành và các ngành liên quan kiểm đếm, lập biên bản thống kê thiệt hại của các hộ nuôi cá, đồng thời tổ chức tiêu hủy toàn bộ cá chết, cả cá nuôi và cá tự nhiên.
Sở TN&MT cũng đã lấy mẫu cá xét nghiệm, tiến hành quan trắc môi trường và khuyến cáo người dân không sử dụng cá chết, nước sông trong sinh hoạt.