Sử dụng hiệu quả vốn vay
Trước đây, gia đình ông Lò Văn Tăng (trú tại xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) cũng như các hộ dân khác trong bản quanh năm chỉ biết “bán mặt cho đất”, vất vả làm ruộng nương mà cái nghèo, cái đói vẫn cứ đeo bám. Vì tâm lý bó buộc tự cung, tư cấp ăn sâu từ nhiều đời, nên các hộ dân trong bản chưa ai dám mạnh dạn vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) để thay đổi tập quán sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình.
Năm 2012, ông Tăng đã mạnh dạn làm người tiên phong vay 30 triệu đồng từ NHCSXH trong chương trình cho vay hộ nghèo để mua 6 con dê và 3 con bò. Nhờ chịu khó chăn nuôi, chăm sóc, đàn bò và đàn dê của ông sinh sản cao. Bán số bò đẻ, tận dụng tiềm năng lợi thế mặt nước, ông Tăng tiếp tục đầu tư phát triển nuôi cá lồng. Ban đầu gia đình ông đầu tư nuôi 2 lồng cá với các loại cá trắm, nheo. Sau đó, nhân giống phát triển tăng thêm 4 lồng.
Được chính quyền địa phương hỗ trợ 20 triệu đồng về việc di dân tái định cư, ông Tăng tiếp tục mạnh dạn đầu tư thêm 4 lồng nữa, bởi theo ông “đã trót làm thì làm luôn thế mới bõ công đầu tư, bỏ công chăm sóc chứ làm một lồng cũng khó trong việc nuôi ghép các loại cá”. Hiện tại, gia đình ông có tới 12 lồng cá phát triển tốt, không có dấu hiệu bị bệnh.
Ông Tăng chia sẻ: “Ban đầu vay vốn ngân hàng để đầu tư từ tiền lồng, cá giống đến thức ăn cho cá, tôi cũng lo lắm. Lo vì sợ cá chết không trả được nợ vì thế phần lớn thời gian tôi ở trên chòi ngay tại lồng cá để theo dõi sát, có gì bất thường còn có thể xử lý ngay. Hiện nay, cuộc sống gia đình ổn định hơn, thu nhập mỗi năm cũng được một trăm triệu từ bán cá và cung cấp đủ thức ăn cho gia đình”.
Cũng từ vốn vay NHCXH, gia đình anh Lò Văn Thuận (trú tại bản Hán A, xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) được vay 50 triệu theo diện cận nghèo. Sau khi được vay, anh dùng tiền mua bò và xây dựng chuồng trại. Đàn bò được anh chăm sóc cẩn thận, nên chỉ sau thời gian ngắn đã sinh sản.
Anh Thuận chia sẻ: “Trước đây gia đình khó khăn, không có vốn làm ăn, nhờ được vay vốn từ NHCSXH nên gia đình mua bò về nuôi. Bây giờ, đàn bò là tài sản lớn của gia đình. Ngoài nuôi bò gia đình tôi cũng tiến hành nuôi cá với diện tích khoảng 600m2. Trước khi bắt đầu triển khai nuôi, tôi đã đi tham khảo ở một số mô hình nuôi cá lồng trong tỉnh để học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu các cơ sở cung cấp cá giống. Thu nhập trung bình một năm gia đình tôi cũng thu nhập được hơn trăm triệu. Dự kiến trong năm tới, tôi hướng đến việc để bò sinh sản thêm và tiếp tục nuôi cá lồng để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống”.
Gỡ khó cho người dân
Để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay đơn giản, thuận lợi, NHCSXH huyện Quỳnh Nhai đã phối hợp với Ban giảm nghèo, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các xã hướng dẫn các Tổ tiết kiệm vay vốn họp xét, lập hồ sơ đúng quy định và tổ chức giải ngân tại các phiên giao dịch xã. Tổng doanh số cho vay trong năm 2017 đạt hơn 52,67 tỷ đồng cho 1.761 khách hàng. Các chương trình tập trung cho vay gồm: hộ nghèo (hơn 24,5 tỷ đồng), hộ cận nghèo (9 tỷ đồng), hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (hơn 8 tỷ đồng)… với mức cho vay trung bình đạt trên 32 triệu đồng, đảm bảo được nhu cầu vay vốn của người dân.
Bên cạnh đó, NHCSXH Quỳnh Nhai chủ động và phối hợp với các tổ chức chính trị- xã hội nhận ủy thác, Tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn đôn đốc thu hồi nợ phân kỳ, nợ đến hạn, nợ quá hạn. Tổng dư nợ đến 31/12/2017 là gần 214,7 tỷ đồng, gồm 15 chương trình cho vay.
Chia sẻ hiệu quả hoạt động vốn vay của NHCSXH trong địa bàn, ông Ngô Trí Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai - cho biết: “Nhờ vốn vay của NHCSXH phát triển sản xuất chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, năm 2017, UBND huyện đã giảm 38,9 % hộ nghèo. Trong thời gian qua, huyện đã tổ chức triển khai chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ tới nhân dân trên địa bàn.
Huyện đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ 153 hộ nuôi cá thuộc 19 HTX, với mức 5 triệu đồng/lồng. Việc lo đầu ra cho sản phẩm của người nuôi cá là vấn đề huyện đang quan tâm, trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các ban, ngành trong tỉnh, liên kết với các doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết sản xuất từ khâu kỹ thuật làm lồng, lựa chọn cá giống đến kỹ thuật nuôi cá...”.
Được biết, huyện Quỳnh Nhai cũng có các bước kêu gọi đầu tư, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Để nghề nuôi cá phát triển bền vững, huyện Quỳnh Nhai cần tiếp tục hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân áp dụng kỹ thuật mới trong nuôi cá lồng, tìm kiếm doanh nghiệp đứng ra chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người dân...