Trong dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, đơn vị tư vấn kiến nghị đề xuất đưa Cảng hàng không Nà Sản ra khỏi quy hoạch giai đoạn 2021-2030.
Lý do là nhu cầu di chuyển qua sân bay Nà Sản ước tính ở mức thấp, chỉ đạt 0,5 triệu hành khách/năm đến 2030. Do đó, sự hiệu quả về kinh tế của cảng hàng không Nà Sản chưa cao và kinh phí đầu tư cũng gặp khó khăn.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Sơn La cho rằng cảng hàng không Nà Sản nằm ở trung tâm khu vực Tây Bắc và sẽ là sân bay chính trong chiến lược phòng thủ quốc gia, sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn nguy về quốc phòng cũng như công tác tìm kiếm cứu nạn.
Hiện khu vực Tây Bắc có hai sân bay quân sự là Điện Biên và Nà Sản. Tuy nhiên, sân bay Điện Biên nằm trong địa hình lòng chảo, có đường cất hạ cánh ngắn nên chưa khai thác được các máy bay quân sự lớn. Do đó, Nà Sản có thể trở thành sân bay chiến lược quan trọng của Tây Bắc.
Song song đó, tỉnh Sơn La cho rằng sân bay Nà Sản sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, kết nối hạ tầng giao thông, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh Sơn La cho rằng việc di chuyển gần 7 giờ (hơn 300 km) để đến sân bay Nội Bài đang là rào cản lớn trong việc thu hút khách du lịch.
Tỉnh Sơn La cho rằng song song với việc xem xét tính hiệu quả về kinh tế của riêng sân bay Nà Sản như trong dự thảo quy hoạch, Bộ GTVT có thể quan tâm thêm những yếu tố khác như thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, vùng Tây Bắc, hiệu quả hoạt động của toàn mạng hàng không cả nước; cơ động đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực Tây Bắc.
Nà Sản cũng có thể cùng với sân bay Điện Biên trở thành cặp cảng hàng không dự phòng cho nhau trong trường hợp máy bay không thể hạ cánh vì điều kiện thời tiết hoặc tình huống khẩn cấp về an toàn hàng không.
UBND tỉnh Sơn La đề nghị Bộ GTVT quan tâm đưa cảng hàng không Nà Sản vào quy hoạch thời kỳ 2021-2030, đề nghị bổ sung dự án này vào danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030 với tổng mức đầu tư khoảng 2.295 tỷ đồng. Nguồn vốn kết hợp từ ngân sách trung ương, vốn doanh nghiệp Nhà nước (ACV), vốn địa phương (để giải phóng mặt bằng) và các nguồn vốn hợp pháp khác.
* Liên quan lĩnh vực giao thông, UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất quy hoạch và xây dựng đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn) sau năm 2030.
Ngày 17/2, đại diện Bộ GTVT cho hay, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất nội dung trên tại văn bản góp ý dự thảo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 do Bộ GTVT đang xây dựng.
Theo tỉnh Lạng Sơn, tuyến Hà Nội - Đồng Đăng được quy hoạch là đường sắt tốc độ cao để đầu tư sau năm 2030 nhằm phát huy lợi thế của phương thức vận tải đường sắt giữa các nước ASEAN với Trung Quốc, đồng thời giảm áp lực cho giao thông đường bộ, kết nối với tuyến đường sắt tốc độ cao đã được phía Trung Quốc xây dựng đến Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây).
Tỉnh cũng đề nghị điều chỉnh tuyến đường sắt đến thành phố Lạng Sơn đi dọc theo quốc lộ 1A hiện tại.
Về nhà ga chính tuyến, tỉnh Lạng Sơn đề nghị bổ sung quy hoạch mở rộng ga Yên Trạch và di chuyển ga Lạng Sơn hiện tại về ga Yên Trạch để tạo hệ thống giao thông kết nối giữa đường sắt, đường bộ và đi các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Ga đường sắt Yên Trạch hiện nay được xây dựng tại km 143+400 thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng trên địa bàn huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Vị trí này thuận lợi trong việc phát triển dịch vụ logistics của tỉnh và gần trục chính đường bộ đi vào thành phố, gần bến xe phía nam thành phố đã hoạt động, gần vị trí quy hoạch xây dựng cảng cạn Lạng Sơn.
Ga Yên Trạch cũng thuận tiện cho việc làm đầu mối khai thác vận tải đường sắt đến ga Đồng Đăng (tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng), ga Na Dương (tuyến đường sắt Mai Pha - Na Dương) và định hướng phát triển tuyến đường sắt Lạng Sơn - Quảng Ninh.
Hồi tháng 12/2020, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt chương trình phát triển đô thị tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2035. Theo đó, dự kiến nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng là tuyến đường sắt tốc độ cao; xây dựng mới tuyến đường sắt Lạng Sơn - Quảng Ninh.
Bộ GTVT đang nghiên cứu quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 và hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, tốc độ thiết kế là 350km/h, tốc độ vận hành 320km/h.