Somalia - Đánh bom khủng bố kép đẫm máu

276 người thiệt mạng và gần 300 người bị thương trong vụ đánh bom kép ở Somalia
276 người thiệt mạng và gần 300 người bị thương trong vụ đánh bom kép ở Somalia
(PLO) - Vụ đánh bom kép xảy ra ở trung tâm thủ đô Mogadishu (Somalia) tối 14/10 (giờ địa phương) đã khiến ít nhất 276 người thiệt mạng và gần 300 người bị thương. 

Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất tại Somalia kể từ năm 2007, khi nhóm khủng bố al-Shabab bắt đầu làn sóng tấn công tại quốc gia châu Phi này. 

Đánh bom kép - thảm họa quốc gia

Theo cảnh sát thành phố, vụ nổ đầu tiên xảy ra gần khách sạn Safari tại nút giao lộ K5 ở quận Hodan, gần Bộ Ngoại giao Somalia. Khu vực bị tấn công nằm ở trung tâm thành phố, nơi tập trung các văn phòng chính phủ, khách sạn, nhà hàng và cửa hàng lớn.

Khoảng 2 giờ đồng hồ sau, một vụ nổ khác đã làm quận Medina rung chuyển. Theo các nguồn tin thân cận chính phủ Somalia, bọn khủng bố đã dùng một xe tải chở hàng trăm kg thuốc nổ quân dụng và bom tự tạo để thực hiện vụ tấn công nhằm vào trụ sở Bộ Ngoại giao Somalia. Số chất nổ này giấu trên một xe tải và được kích nổ gần một khách sạn trên một con phố tấp nập, khiến nhiều tòa nhà bị san phẳng và hàng chục xe cộ bốc cháy dữ dội.

Một quan chức cảnh sát cho biết, chiếc xe tải bị chặn ở một chốt kiểm soát, và khi chuẩn bị khám xét thì tài xế bất ngờ tăng tốc, húc một rào chắn rồi nổ tung, lan sang một xe bồn chở xăng đậu gần đó, tạo thành quả cầu lửa khổng lồ. Đây là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong vòng 10 năm qua tại Somalia và được xác nhận là một “thảm họa quốc gia”. 

Ngay lập tức lực lượng quân đội đã được triển khai tại hiện trường để thực hiện công tác cứu hộ và đảm bảo an ninh. Các nhân viên cứu hộ đã dùng đèn đuốc tìm kiếm những người sống sót bị mắc kẹt dưới đống đổ nát bị tàn phá nặng nề trong vụ đánh bom. Hàng trăm người thiệt mạng và bị thương đã được đưa tới các bệnh viện của thành phố. Tuy nhiên, nhiều thi thể nạn nhân đã không còn nguyên vẹn, biến dạng đến mức không thể nhận ra.

Theo nhiều nhân chứng mô tả, chưa bao giờ xảy ra một cuộc tấn công khủng khiếp như vậy. Nó giống như một trận động đất, thi thể ở khắp mọi nơi. Thương vong dự kiến còn tăng khi các gia đình vẫn đang tìm kiếm người thân giữa các đống đổ nát và trong các bệnh viện.

Vụ đánh bom kinh hoàng xảy ra hai ngày sau khi chỉ huy quân Mỹ ở châu Phi gặp Tổng thống Somalia, và hai ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng và Tư lệnh bộ binh từ chức mà không cho biết lý do. Ngày 15/10, Tổng thống Somalia Mohamed Abdullahi Farmaajo đã lên án các vụ tấn công bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất, cáo buộc nhóm al-Shabab là thủ phạm. Ông Farmaajo đã ban bố 3 ngày quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân đồng thời kêu gọi hiến máu và quyên góp cho các nạn nhân.

Hiện vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về hai vụ đánh bom trên. Tuy nhiên, các vụ tấn công tương tự tại Somalia thường bị đổ lỗi cho các tay súng thuộc nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Al-Shabaab. Al-Shabaab kiểm soát Mogadishu từ năm 2006 đến năm 2011, khi Liên đoàn châu Phi (AU) và quân đội chính phủ Somalia đẩy lui chúng ra khỏi thủ đô. Các phần tử cực đoan đã tiến hành các cuộc tấn công thường xuyên vào thành phố kể từ năm 2011. Al-Shabaab đã nhiều lần nhắm mục tiêu các căn cứ quân sự và khu dân cư trên khắp miền Nam và miền Trung của Somalia.

Năm 2011, một kẻ đánh bom liều chết đã lái một chiếc xe tải chở đầy chất nổ lao vào khu phức hợp các bộ, ngành của Chính phủ liên bang chuyển tiếp tại Mogadishu, khiến 100 người thiệt mạng. Al-Shabaab đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.

Cộng đồng quốc tế lên án

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các nhà lãnh đạo, chính trị gia, nhà hoạt động xã hội… trên khắp thế giới đều lên án vụ đánh bom kép tại thủ đô Mogadishu. 

Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân và hy vọng những người bị thương sớm bình phục. Ông Guterres cũng khen ngợi phản ứng nhanh chóng của chính quyền và người dân Mogadishu trong việc khắc phục hậu quả, đồng thời kêu gọi Somalia đoàn kết chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Đặc phái viên LHQ tại Somalia Michael Keating mô tả cuộc tấn công là hành động “đáng ghê tởm”, đồng thời cho biết cộng đồng quốc tế sẽ làm hết sức để giúp đỡ nhân dân và Chính phủ Somalia vượt qua thảm kịch này. Theo ông Keating, hiện phái bộ của LHQ và Liên minh châu Phi (AU) đang phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ Chính phủ Somalia và chính quyền địa phương giải quyết tình tình, bao gồm cung cấp hỗ trợ hậu cần, thuốc men và chuyên gia.

Chủ tịch Uỷ ban Liên minh châu Phi (AUC) Moussa Faki Mahamat kêu gọi Chính phủ Somalia đoàn kết trong giờ khắc này, vượt qua sự chia rẽ để xây dựng lại sự gắn kết tập thể. Ông Mahamat cam kết AUC sẽ tiếp tục ủng hộ chính phủ và người dân Somali, giúp họ đạt được hòa bình và an ninh bền vững.

Cơ quan Liên chính phủ về phát triển (IGAD) cho biết đã thực sự bị bất ngờ trước các vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Somalia. Thư ký điều hành IGAD Mahboub Maalim gửi chia buồn sâu sắc đến các gia đình nạn nhân cũng như toàn thể người dân Somalia. IGAD cam kết sẽ tiếp tục gắn bó với chính phủ và nhân dân Somalia để sớm vượt qua nỗi đau này, đồng thời sẵn sàng ủng hộ Somalia phòng, chống khủng bố thông qua các cơ chế hiện có ở cấp châu lục và khu vực.

IGAD cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục cam kết chống lại các nhóm khủng bố thông qua cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho quân đội Somalia và phái bộ AU tại Somalia. Trong khi đó, Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cũng bày tỏ chia buồn sâu sắc nhất với tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Somalia và gia đình các tình nguyện viên thiệt mạng.

Các nước Mỹ, Anh, Canada và Pháp cũng kịch liệt lên án vụ tấn công, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục sát cánh với Chính phủ và nhân dân Somalia, và các đồng minh quốc tế để chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố, nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ankara sẽ điều máy bay “mang theo thuốc men” đến trợ giúp cứu chữa cho những người bị thương, đồng thời cho biết có thể đưa người về Thổ Nhĩ Kỳ điều trị. Thổ Nhĩ Kỳ là nhà tài trợ và đầu tư hàng đầu vào Somalia. Tháng 9 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã khai trương trung tâm huấn luyện quân sự nước ngoài lớn nhất ở Somalia.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) kịch liệt lên án loạt vụ tấn công ở Somalia và bày tỏ đoàn kết với Chính phủ Somalia đối mặt với chủ nghĩa bạo lực và cực đoan. Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi cộng đồng quốc tế “đoàn kết chống lại mối đe dọa nghiêm trọng này đối với an ninh và ổn định thế giới”... 

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.