Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, đạt 70% so với kế hoạch năm 2022. Tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt khách (tăng 68,8% so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỉ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, nguồn cung nhân lực du lịch vẫn đang đặt ra một số vấn đề khi chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi, đặc biệt đối với nhân lực có trình độ chuyên môn cao. Việc tuyển dụng nhân lực khá khó khăn vì nhân lực du lịch đã chuyển đổi sang ngành nghề mới.
Đánh giá về nhu cầu nhân lực sau đại dịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, hiện nay ngành Du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch cho công suất trên 70%, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người.
Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, đến năm 2025 cả nước cần có 950.000 - 1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1.300.000 - 1.450.000 buồng. Như vậy, năm 2025, cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800.000 và năm 2030 là hơn 1 triệu, giai đoạn 2022 - 2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động.
Thực tế cho thấy nguồn cung lao động du lịch chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt là các lao động có trình độ chuyên môn cao. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hằng năm với định hướng phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn, cần đến 40.000 lao động có trình độ thì các trường đào tạo nghề, trường cao đẳng hiện nay cũng chỉ đáp ứng được khoảng 15.000, như vậy thiếu hụt rất lớn.
Mới đây lãnh đạo Bộ VH,TT&DL đã có buổi làm việc với Tổng cục Du lịch về công tác tổ chức hội nghị bàn về đào tạo nhân lực cho ngành du lịch. Ba Bộ VH,TT&DL, GD&ĐT, LĐ-TB&XH sẽ cùng tổ chức và chủ trì hội thảo nhằm thảo luận thực trạng, cơ chế chính sách, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển ngành du lịch trong bối cảnh hậu COVID-19.
Trong đó tập trung các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, liên kết giữa các cơ sở đào tạo ngành, nghề du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Dự kiến hội thảo sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 2 với sự tham gia của khoảng 200 đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nhân lực du lịch…