Sớm hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Hải Minh
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 4/3, tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Bộ Ngoại giao, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo nhà nước về phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia (1999-2019) và quán triệt tổ chức thực hiện hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc đạt được.

Khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng để khẳng định những kết quả đã đạt được trong suốt 20 năm đàm phán phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia (từ năm 1999 - 2019), những bài học kinh nghiệm cần được thảo luận, đúc rút và đề ra phương hướng công tác trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao đã trình bày Báo cáo tổng kết 20 năm đàm phán phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia.

Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ đã điểm lại một số dấu mốc quan trọng. Theo đó, từ năm 1999, hai nước đã chính thức nối lại tiến trình đàm phán phân giới cắm mốc đường biên giới chung theo quy định của “Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Campuchia” ký ngày 27/12/1985 (gọi tắt là Hiệp ước hoạch định 1985).

Ngày 10/10/2005, hai bên đã ký “Hiệp ước giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985” (gọi tắt là Hiệp ước bổ sung 2005). Hiệp ước bổ sung 2005 đã được cơ quan có thẩm quyền của hai nước phê chuẩn và có hiệu lực từ ngày 06/12/2005.

Cũng trong năm 2005, hai nước đã thông qua Kế hoạch tổng thể về phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, theo đó đã thỏa thuận thành lập Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia để từ đầu năm 2006 Ủy ban liên hợp này có trách nhiệm thực hiện việc chỉ đạo và tổ chức triển khai công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền giữa hai nước theo quy định của Hiệp ước hoạch định 1985 và Hiệp ước bổ sung 2005.

Đến năm 2011, hai nước đã thống nhất thuê bên thứ ba (Công ty Niras Mapping A/S của Đan Mạch) để thành lập bộ Bản đồ địa hình biên giới Việt Nam - Campuchia tỷ lệ 1/25.000 và ký Bản ghi nhớ về việc điều chỉnh đường biên giới trên bộ đối với một số khu vực nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác phân giới cắm mốc trên thực địa.

Từ cuối năm 2016, hai bên triển khai việc cắm mốc phụ, cọc dấu bổ sung trên thực địa để làm rõ thêm đường biên giới đã phân giới và triển khai việc xây dựng các văn kiện pháp lý để ghi nhận kết quả phân giới cắm mốc đã đạt được.

Đến cuối năm 2018, hai nước đã hoàn thành phân giới được khoảng 1.045km đường biên giới (đạt khoảng 84%), xây dựng được 2.047 cột mốc tại 1.553 vị trí (chưa kể cột mốc không số cắm tại vị trí ngã ba biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào) và thống nhất khung các văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc đã đạt được.

Ngày 5/10/2019, tại thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Campuchia Hun Sen đã ký “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” và chứng kiến hai Chủ tịch Uỷ ban liên hợp phân giới cắm mốc biên giới đất liền hai nước ký “Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia”.

Ngày 22/12/2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn đã đồng chủ trì Lễ trao đổi Văn kiện Phê chuẩn hai văn kiện pháp lý (bằng hình thức trực tuyến).

Với việc hoàn tất trao đổi Văn kiện phê chuẩn, hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia đã chính thức có hiệu lực từ ngày 22/12/2020 và đi vào đời sống chính trị của hai nước.

Liên quan đến việc tổ chức triển khai thực hiện hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc đạt được, ông Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, trong thời gian tới, hai nước cần tiếp tục phối hợp thực hiện có hiệu quả hai văn kiện pháp lý ký năm 2019, tiếp tục trao đổi nhằm từng bước giải quyết 16% đường biên giới chưa hoàn thành phân giới cắm mốc; xây dựng các điều ước quốc tế về quản lý biên giới và cửa khẩu.

Thực hiện tốt công tác quản lý biên giới ở cả các khu vực đã hoàn thành phân giới cắm mốc và các khu vực chưa hoàn thành phân giới cắm mốc; đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung các văn kiện pháp lý biên giới giữa hai nước tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cư dân khu vực biên giới và những người trực tiếp tham gia công tác biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ghi nhận và đánh giá cao những thành quả đạt được trong công tác đàm phán phân giới cắm mốc cũng như công tác quản lý, bảo vệ biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia từ năm 1999 đến nay.

Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định những thành quả này có ý nghĩa to lớn, thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo cấp cao hai nước cùng sự quyết tâm, thiện chí và nỗ lực của cả Việt Nam và Campuchia trong việc cùng nhau giải quyết vấn đề biên giới chung.

Đó cũng là kết quả của sự kiên trì, linh hoạt và cả những nỗ lực không biết mệt mỏi của tất cả các lực lượng trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào quá trình này; của sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các bộ, ngành và địa phương liên quan trong suốt quá trình đàm phán phân giới cắm mốc và ký kết các văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả đạt được từ năm 1999 tới nay.

Mặt khác, trong suốt tiến trình đàm phán phân giới, cắm mốc, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia ngày càng được củng cố và phát triển trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và dành ưu tiên cao trong việc củng cố và phát triển quan hệ với Campuchia theo tinh thần “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, chủ trương sớm giải quyết dứt điểm công tác biên giới giữa hai nước để cùng xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác phát triển.

Với tinh thần hợp tác, trách nhiệm và quyết tâm cao, công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia sẽ sớm hoàn thành, đường biên giới đất liền giữa hai nước sẽ tiếp tục được củng cố vững chắc, hòa bình, ổn định và phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967-24/6/2022), những tiến triển trong công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền thời gian tới sẽ đóng góp thiết thực và ý nghĩa thành công của năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia 2022.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Đoàn kiều bào thăm, động viên quân, dân Huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I

Đoàn công tác số 11 do Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, ra thăm Trường Sa.
(PLVN) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 – 30/4/2024) và giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975), 69 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Đoàn đại biểu kiều bào đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân Huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I trong khuôn khổ Đoàn công tác số 11.

Tiết lộ khẩu pháo phòng không nguy hiểm nhất của Nga

Pháo phòng không bắn nhanh ZU-23-2 của Nga.
(PLVN) - Pháo phòng không bắn nhanh ZU-23-2 của Nga không chỉ là phương tiện phòng không chống lại trực thăng, máy bay không người lái cỡ lớn và máy bay chiến đấu bay thấp mà còn là vũ khí đất đối đất “sát thủ” cả trên bộ và trên biển.

Mỹ chế tạo máy bay 'Ngày tận thế' mới

Một máy bay chỉ huy và điều khiển E-4B.
(PLVN) - Mỹ sẽ phát triển một máy bay “Ngày tận thế” mới để cho phép tổng thống Mỹ tiếp tục lãnh đạo đất nước trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân hoặc thảm họa lớn khác phá hủy các trung tâm chỉ huy và kiểm soát trên mặt đất.