Vi phạm pháp luật về TT&TT ngày càng tinh vi
Báo cáo kết quả công tác với đoàn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TT&TT) cho biết: Năm 2017, Bộ đã tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, thông tin cơ sở tập trung thông tin, tuyên truyền đầy đủ về chủ trương, chính sách của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ. Bộ cũng tổ chức nghiên cứu Đề tài xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực TT&TT, lập đoàn công tác theo dõi THPL và kiểm soát thủ tục hành chính tại 3 tỉnh Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau… Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao thì chủ động rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính, báo cáo phương án sửa đổi, bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện; có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý, đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với điều kiện, quy định cụ thể và thanh tra, kiểm tra, giám sát, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TT&TT.
Tuy nhiên, ông Lâm thừa nhận, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp là vấn đề mới nên các văn bản quy phạm pháp luật quy định riêng mang tính chuyên biệt cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực TT&TT hầu như chưa có. Việc xây dựng Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi THPL về doanh nghiệp khởi nghiệp mới chỉ tập trung vào việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và giảm thời gian, chi phí của các doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực TT&TT. Công tác nghiên cứu, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực TT&TT; công tác rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính… còn chậm.
Đánh giá tình hình tuân thủ các quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của Bộ TT&TT cho thấy, mặc dù doanh nghiệp ngành TT&TT tiếp tục sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhưng tình trạng vi phạm các quy định pháp luật ngày càng gia tăng, tinh vi, liên tục thay đổi hình thức, gây cản trở, khó khăn cho những doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật. Nổi lên là tình trạng báo chí bị thương mại hóa, việc vi phạm bản quyền truyền hình trên internet ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và doanh thu của các doanh nghiệp truyền hình trả tiền; vi phạm nghiêm trọng trong các clip quảng cáo của các thương hiệu sản phẩm đang kinh doanh tại Việt Nam trên kênh YouTube, Facebook…
Thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp
Các thành viên trong đoàn nêu lên một số vấn đề cần làm rõ như thống kê về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực TT&TT; chính sách của Bộ TT&TT đối với doanh nghiệp khởi nghiệp; giải pháp xử lý của Bộ TT&TT đối với khó khăn của một số doanh nghiệp trong hoạt động quảng cáo, truyền hình trả tiền; động thái triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sắp có hiệu lực vào ngày 1/1/2018; điều kiện kinh doanh trong 3 mảng chính: an toàn thông tin mạng, viễn thông, in được rà soát, cắt giảm như thế nào… Qua giải đáp những câu hỏi trên, Bộ TT&TT kiến nghị Chính phủ xem xét, có phương án cụ thể, rõ ràng hơn nữa về công tác hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong một số lĩnh vực cơ bản, quan trọng của ngành TT&TT.
Bộ cũng đề nghị UBND cấp tỉnh bảo đảm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là theo dõi tình hình THPL của các cơ quan báo chí, xuất bản trên địa bàn… Phản ánh vấn nạn chuyển giá của một số doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đề nghị nghiên cứu xây dựng những quy định pháp luật tạo công bằng hơn cho các doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ không biên giới. Cảm ơn những ý kiến góp ý của các thành viên trong đoàn, Thứ trưởng Hồng cũng thẳng thắn cho rằng, dù đã có nhiều cố gắng nhưng đến nay việc hỗ trợ doanh nghiệp mới gia nhập thị trường chưa nhiều nên sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm, đưa ra nhiều chương trình hoạt động cụ thể, thiết thực hơn.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh vai trò của công nghệ thông tin tác động rất nhiều đến công tác quản lý nhà nước và ấn tượng với nhiều kết quả đạt được trong hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của Bộ TT&TT về nghiên cứu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Liên quan đến những đề xuất, kiến nghị của Bộ TT&TT, trong phạm vi chức năng của Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Ngọc khẳng định sẽ sẵn sàng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn, còn lại thì ghi nhận để báo cáo Chính phủ. Thứ trưởng Ngọc đề nghị Bộ TT&TT quan tâm hoàn thiện một số văn bản trong lĩnh vực TT&TT để vừa làm “chỗ dựa” cho quản lý nhà nước vừa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngoài ra, cần thúc đẩy xây dựng, đưa vào hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp, nhanh nhạy hơn trong phản ứng chính sách đối với một số vụ việc phát sinh của doanh nghiệp, chú trọng hơn đến theo dõi THPL nói chung và theo dõi THPL về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng.