Dịch vụ làm visa sang Hồng Kông chỉ mất 4 ngày, trong khi làm visa sang Ma cao mất ít nhất một tháng.
Đúng vào thời điểm Đài Loan ngừng tiếp nhận lao động từ Việt Nam thì một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động mở được cửa thị trường Ma cao, được cho là tiềm năng tạo ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam. Nhưng kể từ ngày 1-7-2010 với quy trình cấp visa mới đã khiến việc đưa lao động sang Ma cao giậm chân tại chỗ trong nhiều tháng nay.
Nằm trong số doanh nghiệp đầu tiên đầu tư mạnh khai thác thị trường lao động Ma cao từ năm 2005 nhưng tới nay Trung tâm Xuất khẩu lao động thuộc Công ty Vạn Hoa Hải Phòng cũng "nằm im" chờ thời. Từ đầu năm tới tháng 7, doanh nghiệp này “túc tắc” đưa đi Ma cao được 20 lao động. Nhưng từ đầu tháng 7 tới nay thì hầu như không lao động nào được đưa sang Ma cao làm việc.
Lý do kể từ ngày 1-7, phía Ma cao không cấp visa tại cửa khẩu như trước nữa mà người lao động phải xin visa tại đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, thời gian chờ đợi khá lâu. Nếu làm dịch vụ thì nhanh cũng phải mất một tháng hoặc lâu hơn nữa. Vì vậy, người lao động chuyển hướng xin visa du lịch bởi thủ tục làm đơn giản, thời gian lấy visa nhanh. Sau khi người lao động sang tới Ma cao được chủ sử dụng chọn, lúc đó chủ sử dụng mới hoàn thành các thủ tục để xin visa lao động. Thực tế do công đoạn xin visa du lịch đơn giản nên nhiều lao động tự làm thủ tục không thông qua các công ty xuất khẩu lao động. Chính sự dễ dãi này làm nảy sinh vấn đề nhiều lao động sang Ma cao hết thời hạn visa du lịch nhưng vẫn chưa được chủ chọn và phải quay về.
Chị Nguyễn Thị Phương, số 48 ngõ 282 phố Đà Nẵng (quận Ngô Quyền) vừa trở về từ Ma cao cho biết: “Tôi phải trở về Việt Nam vì hết hạn visa du lịch mà vẫn không tìm được việc làm. Do tôi không tìm hiểu kỹ nên không thông qua công ty xuất khẩu lao động mà theo một người bạn sang đó tìm việc làm…Giống như tôi, nhiều lao động sang Ma cao theo hình thức này. Phần lớn là người lao động chưa qua đào tạo nghề sang Ma cao làm việc nên không được bảo vệ. Thực tế chủ sử dụng Ma cao thường từ chối những lao động đi làm giúp việc gia đình lần đầu. Những lao động đã từng sang Đài Loan làm việc hết thời hạn về được ưu tiên chọn hơn”.
Mặt được của quy trình mới là hạn chế lao động đi Ma cao làm việc dưới dạng tự do sẽ hạn chế rủi ro cho họ. Tuy nhiên, để khơi thông lại thị trường này, cơ quan quản lý cần nhanh chóng yêu cầu các doanh nghiệp đưa lao động sang Ma cao làm việc tăng cường chất lượng tuyển chọn lao động, thống nhất mức phí môi giới, chấn chỉnh công tác quản lý lao động tại Ma cao. Đồng thời bằng con đường ngoại giao tìm cách gỡ khó, rút ngắn thời gian xin visa cho lao động so với hiện nay.
Yên Bình