Ngôn từ văn bản đòi hỏi phải chuẩn cả về ý nghĩa và từ ngữ, điều này càng chặt chẽ hơn trong văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tùy tiện sử dụng ngôn từ trong các văn bản quy phạm pháp luật khiến người dân khó hiểu…
Tại Điều 5, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định “Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu. Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định trực tiếp nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác”. Quy định này đảm bảo nội dung của văn bản ngắn gọn, đại chúng, ai đọc cũng có thể hiểu ngay, tránh suy diễn, dịch giải làm sai lệch nội dung.
Luật quy định rõ ràng và cụ thể như vậy, nhưng các nhà làm luật dường như không mấy lưu tâm, nếu chưa nói là “cố tình” làm phức tạp thêm tính trong sáng vốn có của ngữ pháp tiếng Việt nói chung và thuật ngữ pháp lý nói riêng. Xin đưa ra vài trường hợp để chứng minh cho vấn đề này.
Thứ nhất: Luật Nhà ở năm 2005 và Nghị định số 71/2010 hướng dẫn thi hành Luật nhà ở có sử dụng cụm từ “Thuê mua nhà ở xã hội”. Xưa nay, việc nào thuê thì thuê, việc nào mua thì mua, không có chuyện “thuê mua”.
Theo giải thích của các nhà làm luật thì “Thuê mua nhà ở xã hội là việc người thuê mua nhà ở thanh toán trước một khoản tiền nhất định theo thỏa thuận trong hợp đồng, số tiền còn lại được tính thành tiền thuê nhà và người thuê mua phải trả hàng tháng hoặc trả theo định kỳ. Sau khi hết hạn thuê mua và người thuê mua đã trả hết tiền thuê nhà thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở đó”.
Phân tích ở góc độ này, trong một căn nhà có một phần đã bán và phần còn lại cho thuê. Ngoài phần đã trả trước, phần còn lại được tính thành tiền thuê mà người thuê phải trả hàng tháng hoặc định kỳ. Nếu đã nói là “thuê” thì làm gì có chuyện hết hạn thuê “người thuê được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu”. Điều này dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.
Kết quả thăm dò ý kiến của nhiều chuyên gia kinh doanh bất động sản, có người suy đoán rằng: “Ngoài việc người thuê đã trả đủ tiền thuê nhà trong một thời gian nhất định, họ còn phải thanh toán toàn bộ số tiền tương ứng với giá trị căn nhà mới được cấp GCN quyền sở hữu nhà đó”.
Ý kiến khác cho rằng: “Khi đã trả hết số tiền thuê phần còn lại theo hợp đồng (vì đã trả trước một phần), thì người thuê được cấp GCN quyền sở hữu nhà”.
Hai luồng quan điểm này, quan điểm nào đúng với ý tưởng của nhà làm luật? Nếu quan điểm thứ nhất đúng thì có ý nghiã gì cho nhà ở xã hội. Còn nếu quan điểm thứ hai đúng thì tại sao không gọi mua, bán nhà theo phương thức “trả góp, trả dần, trả chậm” mà xưa nay ta thường làm, “bẻ” ngữ nghĩa làm gì cho rối?. Nếu có “bẻ” thì cũng phải bám vào quy đinh của Bộ luật Dân sự.
Người viết bài này không đồng tình quan điểm nào và cũng không thống nhất với cách diễn giải của điều luật. Bởi Luật phải rõ ràng, cụ thể, không được dùng từ đa nghĩa hoặc các từ không phổ biến.
Thứ hai: Luật Giao thông đường thủy nội địa có sử dụng các từ “Đầm, Phá, Vụng, Vịnh…”. Đây là các từ địa phương pha trộn Hán Việt. Trong đó, Đầm, Phá là từ thông dụng của người Nam bộ dùng để chỉ các cửa sông lớn ăn thông ra biển và vùng nước có bề mặt rộng hơn nhiều lần so với chiều ngang các con sông.
Vịnh là chỉ điểm uốn khúc của các đoạn sông giao nhau (nhô ra; lõm vào) và các điểm khuyết do dòng xoáy lịch sử của nước tạo nên tại các eo biển ven bờ. Đặc biệt từ “Vụng” hoàn toàn xa lạ, nó có thể trùng hợp với các cách gọi trên, nhưng nó là từ địa phương, chưa phổ biến.
Khi bàn các khái niệm này, tại một lớp tập huấn cấp Bộ, một đại biểu miền Trung thắc mắc thì được Ban Tổ chức giải thích: “Vụng là không phải Đầm, Phá, Vịnh”. Cách giải thích này lập tức bị phản ứng, nên người giải thích mới chữa bằng cách:“Tôi không tham gia soạn thảo nên không rõ!”. Từ ngữ trong văn bản pháp luật mà người truyền đạt nó không hiểu hết ý nghĩa thì việc thi hành trong thực tế ra sao?.
Nguyễn Hải Vân - Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau