Phổ biến sâu rộng Luật Hòa giải ở cơ sở
Có mặt tại Hội thi Hòa giải viên giỏi của Cụm 1 mới cảm nhận hết được không khí sôi nổi, hào hứng từ những đội tuyển dự thi, những khán giả đến cổ vũ cho đội tuyển của mình. Trong hội trường, tất cả các ghế ngồi đều được lấp đầy từ sớm. Những người đến muộn phải đứng xung quanh hành lang để cổ vũ đội thi của mình. Sau mỗi tiết mục của các đội tuyển dự thi, khán phòng như nổ tung bởi tiếng vỗ tay, tiếng tán thưởng của khán giả. Quan sát Hội thi cho thấy, năm nay các đội thi đã đầu tư rất công phu cho các tiết mục của mình.
Bà Hồ Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, Phó Trưởng ban tổ chức Hội thi cho biết: “Hà Nội hiện có 5.859 tổ hòa giải với 37.000 hòa giải viên, tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đạt từ 83% đến 85%. Hội thi “Hòa giải viên giỏi” trên địa bàn TP.Hà Nội năm 2014 nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những nội dung cơ bản của Luật Hòa giải ở cơ sở đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và nhân dân về vị trí và vai trò của hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, Hội thi sẽ góp phần bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật có liên quan, góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn thành phố”.
Hào hứng, vui mừng sau mỗi tiết mục của các đội thi, ông Phạm Bá Chiến, hiện sống tại phường Cầu Diễn cho biết: “Sau khi xem các đội trả lời câu hỏi, xử lý tình huống thì tôi hiểu và nắm rõ hơn về hòa giải ở cơ sở như thế nào và giúp tôi tránh được những rắc rối không đáng có xảy ra trong cuộc sống sau này. Tôi thấy công tác hòa giải ở cơ sở rất cần thiết, nó giúp gắn kết tình anh em, bạn bè, tình làng nghĩa xóm. Công tác hòa giải biến chuyện to thành chuyện nhỏ và từ đó những mâu thuẫn sẽ không còn nữa”.
Giải quyết mâu thuẫn “ngay từ trong trứng nước”
Năm nay, ông Lê Trọng Hổ đã bước sang cái tuổi được coi là “xưa nay hiếm” (77 tuổi). Trước đây ông vốn là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ông Hổ tham gia công tác hòa giải ở cơ sở được 15 năm và luôn là một trong những hòa giải viên giỏi của quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Chia sẻ về công tác hòa giải ở cơ sở, ông Hổ cho biết: “Quá trình đô thị hóa hiện giờ diễn ra quá nhanh, nên những tranh chấp đất đai ngày càng gay gắt, phức tạp. Để giải quyết mâu thuẫn của người dân “ngay từ trong trứng nước”, các hòa giải viên phải bám sát địa bàn, nắm tình hình thực tế để vào cuộc ngay từ đầu, không để các mâu thuẫn thành quá lớn mới bắt tay giải quyết”.
Hòa giải viên Nguyễn Thị Thu Giang, thuộc Đội thi Hòa viên giỏi quận Ba Đình, sinh năm 1993, hiện đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Công nghệ Hà Nội lại chia sẻ: thời gian đầu tiên bắt tay vào công việc hòa giải ở cơ sở đối với chị là cực kỳ khó khăn. Phải tiếp cận và phải đọc rất nhiều văn bản pháp luật trong khi kinh nghiệm sống còn ít khiến cô nhiều lúc tưởng mình không “trụ” được với công việc. Thế nhưng, sau một số lần được đi theo các cô, bác hòa giải viên lớn tuổi có kinh nghiệm, Giang “vỡ” ra nhiều, cô hiểu và đọc luật dễ dàng hơn. Bằng quyết tâm, sự kiên trì, hiện nay Giang là một trong những hòa giải viên giỏi của quận Ba Đình.
Đã quá trưa nhưng không khí sôi động trong khu hội trường của cuộc thi không hề giảm bớt. Các đội thi vẫn say sưa thể hiện những vấn đề nóng, thường gặp trong công việc hàng ngày như: chuyện của những người hàng xóm mâu thuẫn, cãi chửi nhau chỉ vì mấy phân đất; chuyện những người chồng bỏ bê công việc, ham mê rượu chè, đánh đập vợ con...
Những nội dung liên quan đến pháp luật tưởng chừng như khô cứng đều được các đội thi chuyển thể qua những câu chuyện thực tế đời thường sống động. Các tiểu phẩm đã mang đến cho khán giả những tiếng cười sảng khoái nhưng vẫn ẩn chứa ý nghĩa của bài học về tình làng nghĩa xóm, về cách xử sự với nhau trên tinh thần tôn trọng pháp luật đã giúp Hội thi thật sự sôi động và có tính giáo dục cao.
Hy vọng sau những cuộc thi, những đợt tuyên truyền về công tác hòa giải ở cơ sở không chỉ tại Hà Nội mà còn ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước, người dân sẽ đoàn kết nhau lại, cùng giúp đỡ nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho đội quận Bắc Từ Liêm, giải Nhì cho quận Nam Từ Liêm và giải Ba cho huyện Gia Lâm. Các đội Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Long Biên nhận giải Khuyến khích.