“Mừng tuổi con buôn”
Những ngày này, có mặt tại các điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại ở Hà Nội mới cảm nhận được sức “nóng” về nhu cầu đổi tiền của người dân. Để có được những tệp tiền mới trong tay, nhiều người phải trực tiếp đến các điểm giao dịch của ngân hàng hoặc thông qua “kênh” người quen làm ở ngân hàng để đổi hộ.
Tuy nhiên, số tiền đổi được tại các ngân hàng cũng rất nhỏ giọt vì dịp Tết năm nay, Ngân hàng Nhà nước không in tiền lẻ, tiền mới mệnh giá thấp, và nghiêm cấm nhân viên ngân hàng trong toàn hệ thống phân phát tiền ra bên ngoài nhằm trục lợi. Mỗi khách hàng khi đến đổi tiền cũng chỉ được giới hạn ở mức nhất định, khó mà đáp ứng được nhu cầu cho mình và người thân trong dịp Tết.
Anh Phạm - cán bộ tín dụng của một ngân hàng thương mại tại quận Cầu Giấy cho biết: “Đổi mệnh giá 50 nghìn đồng thì không vấn đề gì, nhưng tiền lẻ thì năm nay ít, không biết tiền lẻ giáp tết có chuyển về nữa hay không?”.
Khi dịch vụ miễn phí của ngân hàng không đủ đáp ứng nhu cầu thì người dân buộc phải tìm đến dịch vụ phải trả phí tại thị trường “chợ đen”. Tuy nhiên, phí dịch vụ của thị trường này thì “đắng” hơn nhiều so với mọi năm, khiến cho nhiều người “lè lưỡi” nhưng vẫn phải gật đầu vì có nhu cầu.
Trước cổng phủ Tây Hồ, Hà Nội chỉ một đoạn đường khoảng trăm mét, cũng có đến gần chục cửa hàng bán đồ lễ, kèm theo dịch vụ đổi tiền lẻ. Tiền mệnh giá 10.000 đồng trở xuống được bày trong tủ kính và công khai treo biển “đổi tiền lẻ”. Tỷ lệ ở đây, mệnh giá 5.000 đồng “đổi 10 ăn 7”. Tức là người đổi phải mất thêm 30%, riêng 10.000 đồng tiền cotton phải mất 50% phí.
Bên cạnh thị trường “chợ đen thật”, thị trường năm nay còn rầm rộ các “chợ đen ảo”. Đó là các trang web, diễn đàn đổi tiền trên mạng, giao dịch ảo nhưng đưa tiền thật, được quảng cáo với những lời mời chào rất hấp dẫn như “Tiền mới cứng liền seri, nguyên cọc, số đẹp. Phục vụ 24/24 giao hàng tận nơi”. Nói thế nhưng phí đổi cũng rất “chát”. Ví dụ trên trang Doitienle.blogspot.com, một tệp 100 tờ, mệnh giá 500 đồng, phí đổi 50.000 đồng. Như vậy khách hàng phải mất 100 nghìn để đổi lấy tệp 50.000 đồng.
Chị Chung - chủ cửa hàng quần áo tại chợ Ngã Tư Sở chia sẻ với phóng viên khi trao đổi về dịch vụ đổi tiền mới trong dịp tết: “Mình chỉ nhờ người quen làm trong ngân hàng đổi hộ thôi, chứ đổi chợ đen nó hét giá kinh lắm. Đổi tiền kiểu đấy chả khác gì mừng tuổi cho con buôn”.
Phong phú dịch vụ “chợ ảo”
Giá dịch vụ đổi tiền ngày tết được đẩy lên cao ngất ngưởng tạo nên một “cơn sốt” khan hiếm tiền lì xì, tiền đi lễ làm cho người dân phải chóng mặt. Nhưng liệu có thực sự thiếu tiền lẻ, tiền mới hay không khi có nhiều trang web, facebook quảng cáo: “Có đổi buôn, mang hàng tận nơi; có chiết khấu cho người phụ trách đổi tiền cho doanh nghiệp”, “đổi nhiều tính giá buôn”, “gọi là có”.
Theo quan niệm của nhiều người, năm nay là năm con Ngựa, tượng trưng cho sức mạnh bền bỉ, lòng kiên trì, đem lại nguồn tài lộc, phát đạt thăng tiến trong công việc và sự nghiệp. Nắm bắt được nhu cầu đó, dân “buôn tiền” cũng sưu tầm, cung cấp đủ các loại tiền “lạ” để phục vụ nhu cầu của “thượng đế”. Ví dụ trên trang web shoptien.com, quảng cáo tiền 50 đồng Việt Nam in năm 1972, giá dao động từ 45 đến 80 nghìn đồng/tờ. Không chỉ có tiền Việt Nam mà có cả tiền Mông Cổ, tiền 1 triệu đô la, in hình ngựa... Giá cả cũng khá mềm, khoảng 60 nghìn đồng/sản phẩm.
Tiền đô la “may mắn” cũng không kém phần “hot”, loại 2 USD mới hiện bán với giá từ 50.000 - 70.000 đồng/tờ (tùy số lượng). Với loại 2 USD cũ, giá càng được nâng cao nếu nó càng cũ. Chẳng hạn, để sở hữu loại 2 USD in năm 1976, người có nhu cầu phải mua với giá 160.000 đồng/tờ (mua trên 100 tờ), hay 450.000 đồng cho tờ được in năm 1953. Một số tờ tiền có series quý: tiến, lặp kép, đuôi 79, 88, 68… còn có giá lên đến vài triệu đồng.