Thời gian qua, công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đạt nhiều kết quả khả quan. Toàn tỉnh có 784 tổ hòa giải/775 ấp, khóm với hơn 4.200 hòa giải viên. Các tổ hòa giải thường xuyên được củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, kịp thời hướng dẫn, trợ giúp người dân tự thỏa thuận, giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp ở khu dân cư. Hằng năm, tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 80% trở lên. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, hạn chế chuyển các vụ việc tranh chấp đến các cơ quan tổ chức có thẩm quyền giải quyết.
Hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng hòa giải viên ở cơ sở |
Tuy nhiên, theo đánh giá, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế. Nhằm khắc phục những vướng mắc và tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả công tác hòa giải, theo đó, Tỉnh ủy quán triệt các cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hòa giải cơ sở. Theo đó, cần nhấn mạnh: “Hòa giải cơ sở là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế địa phương”.
Trong thời gian tới, Sóc Trăng phấn đấu, hằng năm có trên 95% tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn và tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 85% trở lên. Duy trì và nhân rộng mô hình bí thư chi bộ ấp, khóm đồng thời là tổ trưởng tổ hòa giải, phấn đấu đến năm 2025 có 100% bí thư chi bộ ấp, khóm được bầu làm tổ trưởng tổ hòa giải.
Để công tác này đạt hiệu quả cao cần tuyên truyền sâu rộng trong toàn dân để các tổ chức, cá nhân hiểu vị trí, vai trò của công tác hòa giải và nghiêm túc thực hiện. Bên cạnh đó, không ngừng quan tâm, củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ và kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình, tiêu biểu có đóng góp tích cực trong công tác hòa giải cơ sở.
Hội nghị trực tuyến bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng hòa giải viên ở cơ sở. |
Tỉnh ủy Sóc Trăng yêu cầu, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu thành lập thêm các tổ hòa giải ở nơi có nhu cầu. Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo bố trí cán bộ, công chức có trình độ năng lực, kinh nghiệm theo dõi công tác hòa giải cơ sở, thực hiện có hiệu quả việc phối hợp với UBMTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội trong công tác hòa giải cơ sở. Tăng cường huy động các tổ chức thành viên và vận động người có uy tín, các chức sắc tôn giáo, người có trình độ pháp lý, kiến thức xã hội, đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan… tham gia vào hoạt động hòa giải cơ sở. Khuyến khích, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để đoàn viên, hội viên làm hòa giải viên và trực tiếp tham gia giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp.