Sông không có cột mốc, sao biết lấn địa bàn?
Người khởi kiện trong vụ án này là ông Nguyễn Văn Mười Ba, chủ Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Hữu Lợi (Doanh nghiệp Hữu Lợi, tại ấp Khu Phố, xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). Người bị kiện là ông Nguyễn Thành Công, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Sóc Trăng.
Theo nội dung vụ kiện, ngày 1/6/2011, Doanh nghiệp Hữu Lợi ký hợp đồng gia công khai thác cát cho Công ty TNHH MTV Trương Đức Huy (Công ty Trương Đức Huy, tại xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). Công ty này được Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cấp phép khai thác. Doanh nghiệp Hữu Lợi đã thuê ông Nguyễn Văn Điệp quản lý, sử dụng phương tiện của mình để khai thác cát tại địa điểm trên, tiền công 1,8 triệu đồng/tháng.
Ngày 18/4/2012, Đoàn thanh tra thuộc Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng đi kiểm tra, phát hiện ông Điệp đang khai thác cát thuộc địa bàn giáp ranh nơi cấp phép là xã Phong Nẫm (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Ngày 20/4/2012, ông Nguyễn Thành Công, Chánh thanh tra Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Điệp; ra quyết định tạm giữ một cần cẩu 45 tấn, một sà lan số hiệu VL11695 và một số phương tiện khai thác cát liên quan khác, tổng giá trị gần 3 tỷ đồng.
Ngày 12/7/2012, ông Công ra Quyết định 20/CTTr-TNMT xử phạt ông Điệp 15 triệu đồng, hình phạt bổ sung: tịch thu toàn bộ phương tiện tạm giữ. Ông Điệp nói: “Khi khai thác cát, tôi không biết vi phạm vào địa bàn tỉnh Sóc Trăng vì trên sông không có cột mốc phân định địa bàn của tỉnh nào”.
Quá thời hạn vì Tòa “bàn lại” nghiệp vụ
Ông Mười Ba bức xúc vì bị tịch thu một số tài sản lớn nên khởi kiện, yêu cầu hủy Quyết định 20/CTTr-TNMT, trả lại tài sản cho mình. Trong phiên xử sơ thẩm ngày 12/11/2012, TAND tỉnh Sóc Trăng đã bác đơn khởi kiện của ông Mười Ba. Ông Mười Ba kháng án.
Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 8/5/2013, TANDTC tại TP.HCM đã chỉ ra một số sai lầm nghiêm trọng cả về nội dung lẫn tố tụng mà cấp sơ thẩm đã mắc phải. Biên bản vi phạm hành chính do cán bộ Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng lập không ghi rõ địa điểm nơi xảy ra vi phạm, chỉ viện dẫn theo Biên bản kiểm tra lập ngày 18/4/2012 là không đúng pháp luật, bởi Biên bản này không xác định các thiết bị khai thác của ông Mười Ba đang khai thác trên địa bàn tỉnh nào.
Mặt khác, trong Biên bản kiểm tra này, phần đầu thành phần tham gia có ông Nguyễn Văn Chanh (người trực tiếp cầm máy kiểm tra tọa độ), nhưng phần cuối biên bản không có chữ ký của ông Chanh. Trong khi đó, ông Lê Văn Tân không có trong danh sách thành viên đoàn kiểm tra, nhưng lại có chữ ký. Tòa phúc thẩm nhận định đây là vi phạm nghiêm trọng mà Tòa sơ thẩm không phát hiện ra.
Một sai sót nữa của Tòa sơ thẩm: Doanh nghiệp của ông Mười Ba đã thế chấp phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu trong vụ án này tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trà Ôn trước khi vụ vi phạm xảy ra. Tòa sơ thẩm lại không đưa Chi nhánh ngân hàng này tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan để họ được quyền bảo vệ phần tài sản đang được thế chấp là vi phạm thủ tục tố tụng.
Những sai sót này cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên Tòa phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án hành chính sơ thẩm; chuyển hồ sơ về cho TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử lại từ đầu.
Vụ án hành chính này đến nay đã quá thời hạn thụ lý lại hơn hai tháng vẫn chưa được đưa ra xét xử lại. Báo PLVN đã làm việc với ông Huỳnh Đức Khải - Chánh Tòa Hành chính, TAND tỉnh Sóc Trăng và được ông Khải cho biết: “Theo đúng luật, vụ án này phải được xử lại ngay khi hết hạn. Tuy nhiên, Tòa còn đang “khúc mắc” một số vấn đề về nghiệp vụ, cần trao đổi với Tòa Hành chính TANDTC rồi mới đưa ra xét xử”.
Trong lúc đợi Tòa sơ thẩm “bàn lại” nghiệp vụ, người khởi kiện là ông Mười Ba chưa biết phải “dài cổ” chờ đến bao giờ mới đến ngày dự phiên tòa xét xử lại? Số tài sản mấy tỷ đồng của doanh nghiệp ông Mười Ba bị “giam” quá lâu đã xuống cấp nghiêm trọng, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?