Một nhà tang lễ ở Trung Quốc đang gây tranh cãi khi chỉ làm đám ma cho người… còn sống. Trong khi dư luận đánh giá rằng đây là một kiểu kiếm tiền lố bịch thì những người từng sử dụng dịch vụ của nhà tang lễ lại lên tiếng bênh vực rằng nó mang tới các trải nghiệm khác lạ về cái chết để họ có thể sống tốt hơn
Đám tang không có tử thi
Tháng trước, 24 tang lễ đã được tổ chức tại nghĩa trang Công viên Văn hóa Người nổi tiếng Shimenfeng ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Nhưng chúng không dành cho người đã khuất. "Đây là lần đầu tiên chúng tôi mở dịch vụ tang lễ dành cho người sống" - Zhang Bei, 30 tuổi, người tổ chức tang lễ của nghĩa trang, cho tờ Telegraph biết.
Một đám ma giả được tổ chức tại Shimenfeng |
Các đám ma như thế này là sản phẩm tinh thần của Zeng Jia, một sinh viên 20 tuổi. Cô cũng là người đầu tiên làm đám ma giả cho mình vào cuối tháng 3.
Zeng, cô sinh viên đang học nghề để trở thành người tổ chức tang lễ chuyên nghiệp nói rằng, cô đã có ý tưởng kỳ lạ này sau khi một người họ hàng bị chảy máu não và qua đời hồi năm 2011. "Tôi đã rất xúc động với sự kiện đó" – cô kể.
Các nhân viên ở nhà tang lễ Shimenfeng ban đầu đã ngạc nhiên trước ý tưởng của Zheng. Nhưng rồi họ đã bị cô thuyết phục. "Chúng tôi đã rất ngạc nhiên nhưng rồi lại thấy ý tưởng này mới mẻ và thú vị" – Zhang thổ lộ. Cô cũng đồng tình với quan điểm cho rằng việc làm đám ma giả là để người ta có thể sống tốt hơn.
Những trải nghiệm độc đáo
Theo Zhang, bất chấp việc không có tử thi trong lễ tang giả, các dịch vụ vẫn hết sức thật, gồm có áo quan, các lẵng hoa, những người than khóc, người chụp ảnh và cả các bài điếu văn đầy cảm xúc từ bạn bè và thân nhân của người "đã chết" .
Dịch vụ tang lễ giả gồm có hai phần. Phần đầu là một lễ tưởng niệm dài 20 phút và phần sau là được nếm trải cảm giác khi đã qua đời. Tuy nhiên không khí của lễ tang tương đối nhẹ nhàng, giống như một bữa tiệc vậy. Trong lễ tang, một ca khúc pop ăn khách ở Trung Quốc tên Thiên thần sẽ được phát lên. Zhang nói rằng những trải nghiệm mà người làm đám tang giả nhận được sẽ hết sức đặc sắc.
Zong là người biết rõ điều này hơn ai hết. "20 bạn học của tôi đã tới dự lễ tang. Họ nói với tôi rằng họ đã thực sự nghĩ về tôi, giúp tôi hiểu hơn về bản thân và việc tôi được những người khác nhìn nhận ra sao. Sau lễ tang, tôi cảm thấy mình có thể sống tốt hơn và coi trọng cuộc sống hơn" - cô nói.
Những người dự đám tang cũng có gương mặt và dáng điệu buồn rầu như thật |
Zhang nói rằng dịch vụ của nhà tang lễ đã được những người tham gia ca ngợi. Thậm chí cả những người cao tuổi cũng không còn kiêng kỵ cái chết và đã đánh giá rất cao sự mạnh dạn của nhà tang lễ.
"Chúng tôi hỏi tại sao họ lại tham gia vào lễ tang và một người ông có vẻ rất cởi mở cho biết những người già như ông đã không còn quan tâm tới cái chết nữa, bởi sớm muộn nó cũng tới. Với họ, cái chết không còn là điều cấm kỵ nữa. Họ chỉ muốn thử những trải nghiệm mới, làm những điều có ý nghĩa cho con cháu, trong những ngày còn lại của cuộc đời" – Zhang nói.
Thử "chết" để thêm yêu cuộc sống
Được biết đây không phải là lần đầu tiên người ta dùng cái chết và đám tang để thêm gia vị cho cuộc sống. Cũng tại Trung Quốc, vào tháng 11 năm ngoái, một bác sĩ tâm lý ở Thẩm Dương, Trung Quốc, đã cho bệnh nhân vào nằm trong quan tài và đóng nắp quan tài để chữa bệnh cho họ.
Tờ Tin tức Thẩm Dương Buổi tối nói rằng hơn 1.000 người sau đó cho biết họ có cảm giác "như được tái sinh" nhờ sự giúp đỡ của viên bác sĩ Tang Yulong. Tang nói rằng những người bị mắc các vấn đề phức tạp về tâm lý có thể cải thiện tình hình bằng cách giả chết và việc được sống trong bầu không khí "chết chóc" sẽ giúp họ có cái nhìn trân quý hơn về cuộc sống.
Trở lại với trường hợp của nhà tang lễ Shimenfeng, sau khi công bố dịch vụ tang lễ dành cho người còn sống, nơi này đã bị cộng đồng mạng thi nhau "ném đá". Họ cho rằng nhà tang lễ chỉ có động cơ hám lợi và thể hiện sự thiếu tôn trọng người đã khuất. Nhưng Zhang khẳng định các lễ tang giả chỉ dùng để nâng cao tinh thần và chứa đựng các giá trị tốt đẹp. "Chúng tôi nghĩ rằng ý tưởng (làm đám ma giả) là vô cùng tích cực và cho thấy sự tôn trọng cuộc sống" – cô nói.
Còn với Zeng, cô không tin các đám ma giả có thể tạo ra tiền lệ xấu hay bất cứ điều gì tiêu cực cho xã hội. "Tôi không nghĩ rằng việc này sẽ sớm trở thành một tập tục diễn ra phổ biến, do dịch vụ của nhà tang lễ vẫn dành cho người đã khuất chứ không phải người đang sống" – cô nói – "Nhưng sẽ rất tốt đẹp nếu việc này giúp người ta nhận ra rằng cuộc sống luôn thay đổi và chúng ta đều cần trân trọng nó hơn mỗi ngày".
Tường Linh