Căn cứ Quyết định 831/BYT ngày 11/3/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, Ban điều hành triển khai tạo lập và quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân của tỉnh TT- Huế vừa tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến Quý I/2019 tại 7 điểm cầu của 9 TTYT huyện, thị xã, thành phố. Tham dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Nam Hùng- TUV, Giám đốc Sở Y tế tỉnh TT- Huế, Trưởng ban điều hành và các thành viên Ban chỉ đạo cùng Tổ giúp việc, trưởng các phòng của Sở Y tế. Ngoài ra, còn có đại diện phía Viettel TT- Huế, đại diện lãnh đạo các phòng chức năng cùng các đơn vị liên quan.
Việc xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử bước đầu đáp ứng các nội dung theo Quyết định số 831/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 11/03/2017 để bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi và được thống nhất lưu trữ trong hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia.
Tiến sĩ Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến Quý I/2019 với 7 điểm cầu của 9 TTYT huyện, thị xã, thành phố |
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh TT- Huế, đến thời điểm cuối Quý I/2019 kết quả liên thông dữ liệu khám chữa bệnh vào hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử là 360.728 lượt. Trong đó: Tỷ lệ hồ sơ gửi thành công lên Hệ thống HSSKĐT là 96,7%, tỷ lệ thất bại 3,3%; Kết quả liên thông dữ liệu Tiêm chủng vào hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử là 38.154 lượt; Tỷ lệ hồ sơ theo Quyết định 831/QĐ-BYT đến hết Quý I/2019 là 93,66% .
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại hội nghị, các điểm cầu cũng đã thảo luận những khó khăn và vướng mắc trong quá trình triển khai tạo lập và quản lý HSSKĐT toàn dân như: Tỷ lệ khám lập hồ sơ còn thấp, tỷ lệ liên thông hồ sơ khám chữa bệnh tại các đơn vị khám chữa bệnh có thanh toán BHYT chưa đạt tỷ lệ đề ra, vẫn còn 2 đơn vị chưa liên thông; Hạ tầng công nghệ thông tin tại các đơn vị đã xuống cấp trong khi đó kinh phí triển khai chưa có; Tại mỗi địa phương, thường có sự biến động về nhân khẩu và hộ khẩu, đặc biệt những địa phương có biến động lớn, việc theo dõi và quản lý dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn…
Phát biểu tại hội nghị Tiến sĩ Nguyễn Nam Hùng - Trưởng Ban điều hành, Giám đốc Sở Y tế đánh giá cao sự chỉ đạo và phối hợp tốt trong quá trình thực hiện của các đơn vị. Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới, các đơn vị cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Bám sát nội dung tại Quyết định 831/QĐ-BYT để tổ chức triển khai, thực hiện. Đến hết 6 tháng đầu năm 2019 các đơn vị phải ánh xạ đạt tất cả hồ sơ đối tượng cần quản lý và chăm sóc trên địa bàn phải có mã số hồ sơ sức khỏe điện tử. Tiếp tục đào tạo bổ sung về vận hành sử dụng và khai thác dữ liệu cho các đơn vị. Thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện tại các đơn vị. Đảm bảo 100% dữ liệu khám chữa bệnh và dữ liệu tiêm chủng liên thông vào hệ thống HSSKĐT.
Giám đốc Sở Y tế cũng mong phía Viettel TT- Huế Huế tăng cường nhân lực tiếp tục hỗ trợ triển khai, phát triển thêm chức năng của phần mềm, tiếp tục làm việc với các đơn vị khám chữa bệnh còn lại trên địa bàn để liên thông dữ liệu khám chữa bệnh vào hệ thống HSSKĐT; cập nhật thông tin HSSKĐT tăng cường công tác tuyên truyền. Với mục tiêu, đến hết năm 2019, tất cả người dân của tỉnh có mã số hồ sơ sức khỏe, liên thông dữ liệu khám chữa bệnh giữa tất cả cơ sở khám chữa bệnh có thanh toán BHYT trên địa bàn tỉnh.
Được biết, Sở Y tế TT- Huế là đơn vị y tế đầu tiên của toàn quốc tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến từ Sở Y tế về tất cả các đơn vị trong toàn ngành, đặc biệt là với 152 TYT xã/phường/thị trấn. Trong thời gian tới Sở Y tế tỉnh này sẽ duy trì tổ chức thường xuyên Hội nghị trực tuyến với các nội dung và chuyên đề khác nhau
“Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Thông qua hồ sơ sức khỏe, thầy thuốc chủ động theo dõi được toàn diện tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ.”- Giám đốc Sở Y tế tỉnh TT- Huế cho biết thêm.