Tại Hội nghị, Đại tá Ngô Thành Thật - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu và Luật sư Lê Hải Lâm (Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu) triển khai đến các đại biểu những điểm mới của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật Công an nhân dân; Luật Đặc xá; Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Các Luật này điều được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua vào tháng 11/2018 và chính thức có hiệu lực vào ngày 01/7/2019.
Theo đó, Luật Bí mật nhà nước năm 2018 có 5 chương với 28 điều trên cơ sở kế thừa và luật hóa những quy định còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung những quy định còn thiếu, chưa bảo đảm khả thi của Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Luật còn thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; phù hợp với điều kiện, yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình hiện nay.
Luật Công an nhân dân gồm 7 chương và 46 điều với rất nhiều quy định mới tác động đến sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân được quy định tại Nghị định 49/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Công an nhân dân có hiệu lực từ ngày 25/7/2019. Trong đó có quy định: Rút ngắn thời gian phục vụ nghĩa vụ trong công an nhân dân từ 36 tháng xuống còn 24 tháng; Sĩ quan công an có thể kéo dài hạn tuổi phục vụ trong ngành đến năm 70 tuổi. Đăc biệt nghị định cũng quy định thay đổi hàng loạt chế độ đối với sĩ quan, hạ sĩ quan chuyển ngành, xuất ngũ, chế độ với sĩ quan, hạ sĩ quan nghỉ theo chế độ bệnh binh, chế độ tiền lương, phụ cấp với công nhân công an…
Luật Đặc xá năm 2018 gồm 6 chương, 39 điều. Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa và khắc phục những tồn tại, bất cập của Luật Đặc xá năm 2007; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực xây dựng và thực hiện pháp luật về đặc xá; đồng thời, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. Luật có nhiều nội dung mới, thay đổi về điều kiện của người được đề nghị đặc xá, trường hợp không đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước; về hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị đặc xá, thực hiện quyết định đặc xá; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện đặc xá.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN) gồm 8 chương, 41 điều, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định cụ thể, chi tiết về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; khẳng định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Đồng thời, khẳng định, Cảnh sát biển Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự Hội nghị còn được triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch./.