Tham dự Hội nghị tập huấn, có 291 đại biểu là lãnh đạo Phòng Tư pháp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an và Bảo hiểm xã hội cấp huyện. Lãnh đạo UBND, công chức Tư pháp - Hộ tịch, công chức Văn hóa - Xã hội và Công an cấp xã trực tiếp thực hiện quy trình liên thông điện tử đối với 02 nhóm thủ tục hành chính theo Đề án 06/CP của Chính phủ.
Báo cáo viên triển khai một số quy định của pháp luật, hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ tiếp nhận, giải quyết thực hiện quy trình liên thông điện tử đối với 02 thủ tục hành chính thiết yếu tại Đề án 06/CP. |
Tại Hội nghị tập huấn, các đại biểu nghe Báo cáo viên của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu, triển khai một số quy định của pháp luật, hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ tiếp nhận, giải quyết thực hiện quy trình liên thông điện tử đối với 02 thủ tục hành chính thiết yếu tại Đề án 06: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và thủ tục đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Theo ông Nguyễn Duy Tuấn – Trưởng phòng Hành chính và Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Việc thực hiện “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và “Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng” là các thủ tục hành chính trực tiếp liên quan đến quyền, nghĩa vụ, đời sống, an sinh của người dân, do vậy việc triển khai thực hiện 2 thủ tục hành chính liên thông là rất ý nghĩa, người dân chỉ khai báo thông tin một lần để thực hiện 3 thủ tục hành chính, cắt giảm bớt các loại giấy tờ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính và tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của người dân”.
Quang cảnh Hội nghị tập huấn quy trình liên thông điện tử đối với 02 nhóm thủ tục hành chính thiết yếu theo Đề án 06/CP. |
Triển khai làm sạch dữ liệu hộ tịch điện tử
Trước đó, Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu triển khai thực hiện việc đối chiếu, cập nhật, đồng bộ dữ liệu đăng ký hộ tịch của công dân trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với dữ liệu công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Sở Tư pháp đã trích xuất 1.179.085 dữ liệu đăng ký hộ tịch trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, sắp xếp dữ liệu theo loại việc hộ tịch, đơn vị hành chính, thời gian bàn giao cho Công an tỉnh theo phương thức đã thống nhất.
Quang cảnh buổi triển khai làm sạch dữ liệu hộ tịch điện tử tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. |
Đồng thời, Sở Tư pháp phối hợp Công an tỉnh tiến hành kiểm tra, rà soát đối sánh dữ liệu hộ tịch và dữ liệu dân cư, chỉ đạo thực hiện việc nhập dữ liệu hộ tịch đã được đối khớp trên nền tảng dữ liệu dân cư. Chỉ đạo Trưởng phòng Tư pháp và Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện đối chiếu, cập nhật, đồng bộ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu dân cư với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và mô hình số hóa, làm sạch dữ liệu hộ tịch để triển khai tại địa phương, nhằm tạo thành bộ dữ liệu dùng chung phục vụ khai thác, sử dụng dữ liệu liên quan đến lĩnh vực tư pháp trong thời gian tới đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.
Qua đối chiếu, cập nhật, đồng bộ dữ liệu đăng ký hộ tịch của công dân trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với dữ liệu công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến nay các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện đối sánh 771.276 thông tin khai sinh.
Năm 2022, Sở Tư pháp Bạc Liêu đã hoàn thành số hóa Sổ hộ tịch trên địa bàn tỉnh với 1.179.085 thông tin gồm: tất cả các Sổ hộ tịch được lưu trữ dưới dạng bản giấy từ trước đến nay được chuyển thành dữ liệu điện tử, dữ liệu số và đã được chuyển vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp để đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đã đưa vào khai thác trên môi trường điện tử đối với 07 loại giấy tờ gồm: Đăng ký khai sinh; Đăng ký khai tử; Đăng ký nhận cha, mẹ, con; Đăng ký giám hộ; Đăng ký kết hôn; Đăng ký nhận nuôi con nuôi; Xác nhận tình trạng hôn nhân.