Trước đó, vào chiều 7/1, sau khi nghe luận tội của VKS, khi được tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Điểu cho rằng mình bị khởi tố do diện tích 29ha không qua đấu giá, thiệt hại lớn cho nhà nước nhưng thực tế dự án 29ha là đất mặt nước, xả thải, biển chết, khi dự án đến người dân vui mừng, môi trường sạch, dự án 29ha là có lợi cho thành phố, dự án này không gây thiệt hại, đề nghị HĐXX xem xét.
Về hành vi không qua đấu giá, ông Nguyễn Điểu cho rằng đất chưa bồi thường giải phóng mặt bằng không đấu giá được. 29ha là đất mặt nước, nhà đầu tư san lấp theo thảo thuận nguyên tắc, không thể bồi thường, phải đấu giá là không đúng. Bên cạnh đó, báo cáo 33 không phải là văn bản tham mưu, cáo buộc bị cáo tham mưu, bị cáo thấy day dứt.
Sau khi nhận thấy UBND TP Đà Nẵng ban hành quyết định 5870 ngày 12/7/2011 đối với 29ha không thông qua đấu giá, bị cáo đã căn cứ vào điều 2 Nghị định 120 ngày 30/12/2010 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất để đề nghị UBND TP xác định lại giá đất theo quy định tại thời điểm quyết định giao đất năm 2011 bằng báo cáo số 96 ngày 13/3/2012. Nếu bị cáo cấu kết, đồng phạm thì không thể có báo cáo 96 như trên..; đề nghị HĐXX xem xét.
Trình bày quan điểm bào chữa cho bị cáo Nguyễn Điểu sáng 8/1, luật sư Nguyễn Thị Gấm tiếp tục khẳng định Cáo trạng buộc tội bị cáo Nguyễn Điểu đồng phạm giúp sức cho các bị cáo là khiên cưỡng.
Theo luật sư Gấm, tại các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và tại phần thẩm vấn công khai phiên tòa thể hiện rõ đối với dự án 29ha từ khi UBND TP ký thỏa thuận nguyên tắc năm 2006 đến khi TP thu hồi đất, giao đất cho Công ty 79 năm 2011 ông Nguyễn Điểu không tham gia họp bàn một lần nào, không hưởng lợi ích vật chất gì. Điều này được ghi nhận tại trang 72 bản kết luận điều tra – Bộ Công an.
Quang cảnh phiên tòa TAND TP Hà Nội xét xử 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng và Vũ Nhôm |
VKS luận tội ông Nguyễn Điểu đã tham mưu UBND TP Đà Nẵng ký Quyết định 5870; nhưng thực tế trong các căn cứ để ban hành quyết định 5870 không có căn cứ nào do ông Nguyễn Điểu tham mưu.
Thực tế, khi nhận thấy UBND TP ban hành quyết định 5870 ngày 12/7/2011 đối với 29ha không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, ông Nguyễn Điểu đã căn cứ vào điều 2 Nghị định 120 ngày 30/12/2010 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất để đề nghị UBND TP xác định lại giá đất theo quy định tại thời điểm quyết định giao đất năm 2011 bằng Báo cáo số 96 ngày 13/3/2012.
Nếu là đồng phạm giúp sức thì ông Nguyễn Điểu không có các báo cáo khách quan như Báo cáo số 96 ngày 13/3/2012 đề nghị UBND TP xác định lại giá đất theo quy định tại thời điểm quyết định giao đất năm 2011.
Theo LS Gấm, rất tiếc, báo cáo 96 đã bị lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng bỏ qua không xét nên ông Nguyễn Điểu tiếp tục ký Báo cáo số 356 ngày 06/7/2012 khẳng định lại toàn bộ nội dung Báo cáo số 96 và báo cáo thành phố về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 29ha cho nhà đầu tư với điều kiện trong trường hợp có bất cứ chỉ đạo nào của thành phố liên quan đến các nội dung mà Sở TN&MT đã báo cáo kiến nghị điều chỉnh giá đất thì doanh nghiệp phải hoàn trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Như vậy, Báo cáo số 96 ngày 13/3/2012 và Báo cáo số 356 ngày 6/7/2012 của Sở TN&MT là văn bản thể hiện ý chí của Sở TN&MT (bị cáo Nguyễn Điểu) trong việc vừa chấp hành chỉ đạo của UBND TP, vừa giải quyết quyền lợi của nhà đầu tư, vừa thực hiện đúng trách nhiệm của Sở TN&MT trong việc quản lý đất đai.
Kết luận điều tra 72 ngày 31/8/2019 đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho các cá nhân không thực hiện tham mưu, đề xuất mà chỉ thực hiện theo chỉ đạo nhưng kiến nghị xử lý hành chính |
Tại trang 72 bản Kết luận điều tra số 72 ngày 31/8/2019 của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an xác định: Căn cứ tài liệu điều tra thu thập có đủ căn cứ để cho rằng ngay từ đầu khi thay mặt UBND TP Đà Nẵng ký thỏa thuận nguyên tắc với Công ty Daewon.
Lãnh đạo thành phố biết thỏa thuận nguyên tắc có lợi, tạo điều kiện cho Công ty 79 được nhận quyền sử dụng 29ha đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất. Năm 2011, ông Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến tiếp tục ban hành các chủ trương quyết định giao 29ha cho Công ty 79 gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước.
Các cá nhân khác có liên quan đến dự án này không thực hiện việc tham mưu, đề xuất mà chỉ thực hiện theo ý kiến chỉ đạo và văn bản quy định do UBND TP Đà Nẵng ban hành, quá trình thực hiện công việc không được hưởng lợi ích vật chất gì. Vì vậy cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an không đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân nêu trên, nhưng kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý về mặt hành chính.
Theo Luật sư Gấm, “các cá nhân nêu trên” trong bản Kết luận điều tra số 72/KLĐT ngày 31/8/2019 có ông Nguyễn Điểu. Từ những căn cứ nêu trên, luật sư Nguyễn Thị Gấm đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” cho bị cáo Nguyễn Điểu như đề nghị của cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an tại bản Kết luận điều tra số 72 ngày 31/8/2019.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Gấm, hồ sơ vụ án thể hiện, quá trình điều tra vụ án, bị can Nguyễn Điểu thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Gia đình bị can Nguyễn Điểu tự nguyện nộp vào tài khoản ngân sách Nhà nước số tiền 1 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Quá trình công tác bị can Nguyễn Điểu có nhiều thành tích... nên cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị miễn trách nhiệm hình sự khi truy tố, xét xử cho bị can Điểu mà chỉ xử lý kỷ luật về mặt hành chính.