Thời điểm này, giá bất động sản Hà Nội đang bắt đầu “nóng” và theo giới môi giới nhà đất, nếu thương vụ này được thực hiện trót lọt, liên danh “đại gia” như vậy đã thắng lớn và khoản tiền “chênh” có thể lên đến cả ngàn tỷ nếu so với việc sở hữu lô đất này theo con đường đấu giá đất thông thường.
Người ký công văn chấp thuận chủ trương đầu tư, giao Vinaconex – Viettel (thay mặt Liên danh) lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng, làm chủ đầu tư và triển khai dự án này là ông Phí Thái Bình nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, vốn trước đó chính là “sếp lớn” của Vinaconex.
Mặc dù trong các báo cáo tài chính thường niên gần đây của Vinaconex, dự án Khu đô thị tại xã Tây Mỗ và Đại Mỗ không thấy được nhắc đến nhưng chúng tôi đã tìm thấy ít nhiều thông tin từ phía Hòa Phát. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012 đã được kiểm toán của Hòa Phát, tính đến hết ngày 31/12/2012, Tập đoàn này ghi nhận khoản ủy thác đầu tư 448,9 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Vinaconex - Viettel do sự ủy thác của Công ty Cổ phần Bất động sản Hòa Phát Á Châu.
Theo báo cáo tài chính này, “trách nhiệm, rủi ro, tổn thất cũng như mức sinh lời của khoản đầu tư này thuộc về Công ty Cổ phần Bất động sản Hòa Phát Á Châu”. Số tiền này tương ứng với số tiền nhận ủy thác đầu tư đang được phản ánh trên khoản mục phải trả dài hạn khác…
Chuyển hướng
Trong một diễn biến khác, theo ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, cho đến nay người dân vẫn chưa được lấy ý kiến về đề xuất của TP.Hà Nội, trong khi các cơ quan quản lý như Bộ Giao thông Vận tải cũng cho hay “chưa nhận được thông báo” của chính quyền thành phố. Rõ ràng rằng, việc thu phí không thể tùy tiện mà phải tuân thủ theo Pháp lệnh về phí và lệ phí, mức thu phải được Bộ Tài chính thông qua.
Ông Liên cho hay, Hà Nội nên lấy ngân sách nếu cần tiền để sửa chữa đường, chứ không thể bắt người dân đóng phí như đề xuất. Cũng theo phân tích của ông Liên, nếu lập trạm thu phí trên đại lộ này thì phương tiện sẽ “chuyển hướng” sang những cung đường khác, gây nên sự hỗn loạn vì mật độ giao thông sẽ tăng cao. Theo đó, khi thu phí trên Đại lộ Thăng Long, người dân bỏ tuyến đường này để đi sang các tuyến quốc lộ 32 và quốc lộ 6. Điều đó sẽ dẫn đến mức phí thu sẽ không đạt như kỳ vọng và gây lãng phí công năng cả một tuyến cao tốc.
Trả lời PLVN, tài xế Nguyễn Văn Hiền - chủ phương tiện vận tải ở tỉnh Hòa Bình cho hay, thông thường thì họ điều khiển phương tiện về Hà Nội hay sử dụng Đại lộ Thăng Long, tuy nhiên nếu có trạm thu phí ở đây thì chắc chắn giới vận tải sẽ tìm đường khác để “né” phí. Nhiều tài xế khác khi được hỏi cũng đã tỏ thái độ bức xúc vì các đầu xe họ đã đóng phí đường bộ tiền triệu, nay xe chạy trên tuyến cao tốc này bắt phải mua vé qua trạm là “thiếu công bằng, phí chồng phí”.
Trong khi đó, trong một thông điệp vừa được công bố qua truyền thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội “biện hộ”, việc thu phí trên đại lộ là để hoàn vốn cho phần hạng mục công trình “không sử dụng tiền ngân sách nhà nước”(?!).
Theo Sở này, trong đề án thu phí Đại lộ Thăng Long của TP.Hà Nội có nội dung triển khai đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thông minh, bao gồm huy động nguồn vốn dưới nhiều hình thức như hợp tác công tư (PPP), BOT, BT… tùy theo các hạng mục công trình nhằm hiện đại hóa thực hiện công tác quản lý đường cao tốc, hạn chế tai nạn giao thông.
Cũng theo Sở này, kinh phí để đầu tư hệ thống giao thông thông minh có thể sử dụng theo các hình thức đầu tư nói trên và thực hiện thu phí để hoàn vốn đầu tư (phần ngoài ngân sách). Tuy nhiên, nếu triển khai theo hình thức xã hội hóa và thu phí trong bối cảnh đã có quy định thu phí sử dụng đường bộ theo Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính thì phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương trước khi triển khai thực hiện, vì vậy mới có việc đề xuất cho phép thu phí sử dụng đường bộ trên Đại lộ Thăng Long.