Theo dự kiến ban đầu, khách sạn này sẽ khai trương chỉ 2 năm sau xây dựng. Song, điều này đã không xảy ra. Cho đến nay, qua hơn 30 năm, tòa nhà chỉ được khoác lên vài lớp áo mới nhưng vẫn không thể đi vào hoạt động.
Sản phẩm của Chiến tranh Lạnh
Khách sạn Ryugyong được nhiều người cho là một sản phẩm của sự ganh đua ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa một bên là Hàn Quốc được Mỹ hậu thuẫn và một bên là Triều Tiên được Liên Xô ủng hộ. Trước khi khách sạn của Triều Tiên được khởi công xây dựng, 1 doanh nghiệp của Hàn Quốc đã xây dựng tại Singapore Khách sạn Westin Stamford - công trình khi đó là khách sạn lớn nhất thế giới. Cùng lúc, Hàn Quốc cũng chuẩn bị đăng cai Thế vận hội mùa hè năm 1988.
Phản ứng của Triều Tiên là đã đăng cai Đại hội thanh niên và sinh viên thế giới 1989. Theo dự tính ban đầu của Triều Tiên, công trình Khách sạn Ryugyong sẽ hoàn thành vào đúng dịp tổ chức sự kiện này, đồng thời còn giành lấy kỷ lục thế giới từ Hàn Quốc.
Ngoài khách sạn trên, Chính phủ Triều Tiên khi đó cũng đã chi khá nhiều tiền cho việc chuẩn bị tổ chức Đại hội, bao gồm việc xây mới một sân vận động, mở rộng sân bay ở Bình Nhưỡng và mở rộng thêm các tuyến đường mới. Tuy nhiên, vì các vấn đề về kỹ thuật nên Khách sạn Ryugyong đã không kịp hoàn thành vào đúng dịp Đại hội.
Trong thời gian sau đó, việc phải chi nhiều tiền cho cơ sở hạ tầng cộng với sự sụp đổ của Liên Xô khiến Triều Tiên mất đi nguồn viện trợ và đầu tư. Kinh tế Triều Tiên bắt đầu lâm vào tình trạng khó khăn nên việc xây dựng khách sạn chững lại.
Phải đến năm 1992, sau 5 năm xây dựng, phần thô của Khách sạn Ryugyong mới đạt được độ cao dự kiến. Tòa nhà khi đó bao gồm 3 cạnh, mỗi cạnh nghiêng 75 độ, hội tụ lại thành một hình nón với 15 tầng trên cao nhất dự kiến được dành cho các nhà hàng và các đài quan sát.
Công trình Khách sạn Ryugyong của Triều Tiên. |
Ông Calvin Chua (kiến trúc sư tại Singapore) từng có nhiều năm nghiên cứu về thiết kế đô thị của Bình Nhưỡng cho rằng, rằng kết cấu của Khách sạn Ryugyong có thể đã được thiết kế theo hình một quả núi chứ không phải hình kim tự tháp vì những ngọn núi đóng vai trò quan trọng trong chủ nghĩa biểu tượng của nước này.
Điển hình là việc tiểu sử chính thức của ông Kim Jong Il (người cha quá cố của Nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện nay Kim Jong Un) khẳng định ông này được sinh ra tại một căn cứ quân sự trên Núi Paektu - ngọn núi vốn được đưa vào quốc huy của Triều Tiên. “Công trình đó là một tòa nhà rất mang tính biểu tượng”, ông Chua nói.
Ngoài ra, kết cấu hình kim tự tháp của công trình này không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn vì yếu tố kỹ thuật. Bởi, không giống như các tòa nhà chọc trời khác, Khách sạn Ryugyong được làm bằng bê tông cốt thép chứ không phải bằng thép.
Với vật liệu như vậy, tòa nhà phải có kết cấu hình tháp để các tầng trên của công trình trở nên nhẹ hơn. “Họ không có nhiều vật liệu xây dựng tiên tiến nên toàn nhà được xây dựng hoàn toàn bằng bê tông. Bạn không thể xây dựng được một tòa tháp hình ống mà cần phải có tầng nền lớn và phần chóp thon”, ông nói.
Những dấu mốc bị bỏ lỡ
Kể từ khi phần thô được hoàn tất vào năm 1992, việc xây dựng khách sạn của Triều Tiên bị dừng lại. Công trình từng mang nhiều kỳ vọng bị “dầm mưa dãi nắng” trong tình trạng không cửa sổ, bên trong là một không gian rỗng tuếch. Một cần trục cũng được bỏ trên nóc tòa nhà. Ryugyong với chiều cao vượt trội, che lấp cả những công trình xung quanh khiến nó bị nhiều người ví như một con quái vật sừng sững ngồi đó ngắm nhìn thành phố. Có người thậm chí còn gọi đây là “Khách sạn của ngày tận thế”.
Sau 16 năm bị lãng quên, năm 2008, việc xây dựng khách sạn bất ngờ được nối lại như một phần của thỏa thuận giữa Triều Tiên với Tập đoàn Orascom (Ai Cập)- đơn vị được ký hợp đồng xây dựng mạng 3G của Triều Tiên.
Chiếc cần trục ngự trên nóc tòa nhà gần 2 thập kỷ cuối cùng đã được gỡ bỏ. Các kỹ sư Ai Cập hướng dẫn công nhân lắp đặt các tấm kính và kim loại lên kết cấu bê tông, tạo cho tòa nhà một vẻ ngoài bóng bẩy. Tổng chi phí cho hoạt động xây dựng này được cho là lên đến 180 triệu USD.
Dự án tái xây dựng khách sạn được hoàn thành vào năm 2011, dấy lên những đồn đoán về việc nó sắp được khai trương. Tin đồn càng nhiều hơn khi đến cuối năm 2012, tập đoàn khách sạn hạng sang Kempinski của Đức thông báo rằng Khách sạn Ryugyong sẽ mở cửa dưới sự quản lý của Tập đoàn này vào năm 2013. Thế nhưng, chỉ vài tháng sau đó, Kempinski thông báo không thể thực hiện kế hoạch với lý do việc gia nhập thị trường ở thời điểm lúc bấy giờ là không thể.
Một số ý kiến khi đó cho rằng một phần nguyên nhân nằm ở việc cấu trúc của tòa nhà không ổn định do kỹ thuật xây dựng và vật liệu nghèo nàn. “Nhìn từ bên ngoài, tòa nhà có cấu trúc trông khá bền vững nhưng bên trong có thể là một câu chuyện khác”, ông Chua nhận định.
Những hình ảnh bên trong tòa nhà được công bố năm 2012 cho thấy quả thực phần bên trong tòa nhà gần như chưa được xây dựng nhiều. Nhiều thiết bị trong tòa nhà cũng đã trở nên lỗi thời, ví dụ như thang máy không phải là loại thang máy hiện đại với một chuỗi các nút mà phải có người điều khiển để cho thang máy dừng ở các tầng.
Sau nhiều đồn đoán, việc xây dựng Khách sạn Ryugyong lại thêm một lần bị bỏ bê. Đến năm 2018, công trình này một lần nữa được hồi sinh. Lần này, nó được khoác cho một lớp “áo mới” với việc trang bị những bóng đèn LED khắp tòa nhà, biến đây trở thành một công trình đầy màu sắc vào ban đêm. Tháng 6/2018, một bảng hiệu đã được gắn vào tòa nhà, trên đó ghi dòng chữ “Khách sạn Ryugyong”. Khách sạn sau đó xuất hiện trong nhiều chương trình tuyên truyền của Triều Tiên.
Các nhà quan sát cho rằng những động thái này cho thấy Triều Tiên chắc chắn muốn làm điều gì đó với tòa nhà. Có điều, kể từ đó đến nay, đã hơn 1 năm trôi qua, khách sạn vẫn chưa được khánh thành. Không ai biết những hoạt động bên trong tòa nhà vì bên ngoài tòa nhà được ốp bằng kính nên người ngoài không thể nhìn được vào bên trong. Người ta vẫn không biết liệu công trình này có bao giờ được mở cửa để đón khách hay không.
Tính đến thời điểm hiện nay, khách sạn trên đang giữ “kỷ lục” tòa nhà không có người ở cao nhất thế giới. Dù đây vẫn là tòa nhà cao nhất ở Triều Tiên nhưng các công trình dân sự ở Bình Nhưỡng thời gian qua cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ, với tòa tháp cao nhất hiện có ở đây chỉ thấp hơn Khách sạn Ryugyong 60m.