Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương Bùi Sỹ Hoàn cho biết: Công tác thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có chuyển biến tích cực, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh được rà soát, hệ thống hóa và phổ biến đến các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, Trong năm 2021, Sở Tư pháp đã tham mưu, giúp UBND tỉnh tổ chức tổng kết Đề án “Nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2018-2021”; xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2025”; thẩm định 56 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tham gia ý kiến đối với 99 văn bản khác.
Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương cũng giúp UBND tỉnh tự kiểm tra nhiều quyết định do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, phát hiện một số văn bản có sai sót về nội dung dẫn chiếu và phần căn cứ ban hành, đã thực hiện xử lý….
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương Bùi Sỹ Hoàn báo cáo tại buổi làm việc. |
Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính cũng được chú trọng, Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương đã tiến hành kiểm tra, đánh giá 100 hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh; tiến hành kiểm tra đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường và huyện Thanh Miện. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tập huấn bằng hình thức trực tuyến cho 1.200 lượt cán bộ, công chức về nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính.
Ngoài ra hoạt động PBGDPL có sự đổi mới, tập trung tuyên truyền, phổ biến các Luật mới được Quốc hội thông qua và các văn bản phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt là các quy định liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19. Công tác quản lý, đăng ký hộ tịch và chứng thực đáp ứng kịp thời yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Hoạt động bổ trợ tư pháp tiếp tục được xã hội hóa sâu rộng. Tổ chức, bộ máy của Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp được củng cố, kiện toàn. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh. Công tác thi đua, khen thưởng tiếp tục đi vào chiều sâu và có những hoạt động nổi bật.
Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030 Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương đã phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh Hải Dương ban hành: Kế hoạch số 569/KH-UBND về việc thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/41/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia.
Đơn vị cũng phối hợp, tham mưu UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định về việc thành lập Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030.
Đồng thời phối hợp tham mưu ban hành quy chế hoạt động Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Hải Dương kèm theo Quyết định số 612/QĐ-UBND ngày 07/03/2022 của UBND tỉnh.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương Bùi Sỹ Hoàn kiến nghị Bộ Tư pháp, phối hợp Bộ Tài chính nghiên cứu ban hành văn bản quy định về chi cho các hoạt động xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản phù hợp.
Kiến nghị phối hợp với Bộ Nội vụ có hướng dẫn, chỉ đạo về việc hiệp y giữa Sở Tư pháp và UBND cấp huyện khi bổ nhiệm chức danh Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện; hiệp y giữa UBND cấp xã và Phòng Tư pháp khi bố trí công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã nhằm đảm bảo người được bổ nhiệm phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương cũng kiến nghị Bộ Tư pháp quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn các tổ chức pháp chế trên cơ sở sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; Nghiên cứu ban hành khung tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Có hướng dẫn thống nhất về việc xã hội hoá công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. ….
Đồng thời Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương cũng đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn triển khai thí điểm liên thông khi có yêu cầu của cá nhân, tổ chức đối với thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế theo Nghị quyết số 172/NQ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng.
Hải Dương cũng mong muốn Cục Công nghệ thông tin sớm cập nhật việc thay đổi tên một số đơn vị hành chính cấp xã của địa phương trên Hệ thống thông tin.
Tại buổi làm việc, các vướng mắc kiến nghị của Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương đã được đại diện Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; Cục CNTT, Văn phòng Bộ và Vụ tổ chức cán bộ giải đáp, hướng dẫn cụ thể.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc biểu dương nỗ lực của Tư pháp Hải Dương. Thứ trướng đánh giá đơn vị hoàn thành công tốt công tác Tư pháp, trong nhiều năm là đơn vị xuất sắc nhất trong ngành.
Thứ trưởng ghi nhận việc hoàn thành khối lượng công việc “khổng lồ” với số lượng biên chế còn ít.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, là đề án lớn có tầm quan trọng đặc biệt trong việc xây dựng Chính phủ số, công dân số, xã hội số.
Do đó Thứ trưởng đề nghị, ngành Tư pháp Hải Dương ngay từ đầu phải rà soát lại để đảm bảo dữ liệu chuẩn nhất, việc số hóa cũng phải đảm bảo chính xác để khi đưa vào cơ sở dữ liệu chung dữ liệu “sạch” nhất, cập nhập nhất. Từ đó, việc kết nối, chia dữ liệu giữa các địa phương được đảm bảo thì lúc đó giá trị của dữ liệu sẽ được phát huy cao nhất.