Một nữ học sinh yếu đuối, thân cô, thế cô bị các bạn học bắt nạt, hành hạ nhiều lần, thế mà nhà trường, các thầy cô, học sinh cùng lớp đều làm ngơ, thậm chí khi bị phát hiện thì cố tình dập tắt vụ việc. Họ sợ cái gì?
Mới đây thôi, một người đi đường nhắc nhở an toàn cho hai thiếu niên nam và nữ đều 16 tuổi chở nhau bằng xe đạp điện vượt đèn đỏ ở một ngã tư TP Đông Hà (Quảng Trị). Thế mà thiếu niên 16 tuổi rút dao ra đâm 2 nhát chí mạng vào bụng người vừa nhắc nhở mình. Anh ta đã tử vong.
Những người không dám ngăn cản một vụ án mạng là lo cho chính tính mạng của mình trước một kẻ hung hãn. Họ khác với những người nhảy xuống dòng nước hung dữ để cứu người đuối nước, người bị nạn được cứu nhưng người cứu lại bị dòng nước cuốn đi.
Nhà trường ở chỗ cô bé lớp 9 bị hành hạ sợ mất thành tích, làm xấu hình ảnh nhà trường nhưng trước đó thì họ sợ cái gì mà không ngăn cản? Có thể đó là sự vô cảm trước khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu”.
Trường hợp thứ ba lý giải mọi chuyện. Thấy chưa, nhắc nhở người khác làm gì cho thiệt thân, cứ làm ngơ đi thì chẳng hề hấn gì!
Những trạng thái tâm lý này lý giải phần nào hành vi của một số đối tượng “giang hồ” trên mạng lấy danh “đi đòi công lý” cho người yếu thế lại được tung hô. Và, thần tượng của không ít bạn trẻ lại là những đối tượng giang hồ xăm trổ đầy mình với tuyên ngôn thiếu chừng mực.
Rất nhiều người trong số chúng ta chỉ là những “Lục Vân Tiên” bàn phím. “Ném đá” dữ dội, chỉ trích đủ điều một câu chuyện nào đó nhưng khi trực diện với cái ác, cái xấu thì có còn bản lĩnh đó nữa không? Chửi rủa không làm xã hội tốt đẹp lên và đó không phải là công luận mà chỉ dư luận bùng lên rồi tắt ngấm.
Công luận có thứ ngôn ngữ khác, mạnh mẽ và thuyết phục! Cái chính trong mỗi người là tu thân, làm những việc tử tế, giữ gìn nhân cách của mình, thể hiện trong từng lời ăn, tiếng nói và cái cần nhất là mẫu mực trong hành vi ứng xử, nói đi đôi với làm. Nếu không, chúng ta chỉ là những kẻ đạo đức giả mà thôi!