Phần lớn sinh viên các trường ĐH, CĐ hiện nay vẫn chọn giáo trình photo để sử dụng thay vì giáo trình gốc. Hầu hết các bạn đều có chung lý do là giá rẻ, thời gian sử dụng chỉ trong 1-2 học kỳ. Khi hỏi về vấn đề luật sở hữu trí tuệ và bản quyền, nhiều sinh viên trả lời “không biết”, “không quan tâm lắm” và “ở lớp ai cũng dùng cả mà”. Dạo một vòng quanh làng ĐH Thủ Đức (TP.HCM) chúng tôi ghi nhận có khoảng mười điểm bán giáo trình photo. Giờ tan học nên điểm nào cũng khá đông sinh viên tìm mua. Trước cổng cơ sở 2 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), một băngrôn có chữ “Nhà sách sinh viên - đợt bán sách giảm giá” nhưng chỉ có vài cuốn giáo trình gốc, còn lại là các chồng sách “tái bản” cao ngút lúc nào cũng nhộn nhịp người mua bán. Nhân viên bán hàng ở đây cho biết những cuốn sách photo như pháp luật đại cương, nhân học đại cương, lịch sử văn minh thế giới... được bán với giá 20.000 đồng/cuốn, rẻ hơn 50% so với mua sách giá gốc.
Một “tiệm sách” giáo trình photo di động trước cổng cơ sở 2 Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) lúc nào cũng rất đông sinh viên mua sách - (Ảnh: H.B) |
Bà Hoàng Thị Thục - giám đốc Thư viện trung tâm ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết việc dùng sách photo là vi phạm. Việt Nam đang hướng tới phải thực thi các luật sở hữu trí tuệ và bản quyền. Sinh viên - trí thức tương lai mà vô tư vi phạm luật thì thật không nên. Theo bà Thục, để giải quyết vấn đề này, trường ĐH và thư viện cùng vào cuộc để giáo dục ý thức, nhắc nhở, các bạn sinh viên không tiếp tay cho việc vi phạm. Những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thì trường nên phát triển giáo trình điện tử, trợ giá giáo trình in. Khuyến khích sinh viên khóa trước ủng hộ giáo trình cho thư viện để phục vụ khóa sau. Đồng thời, các phương tiện truyền thông đại chúng nên thông tin những nguồn cung cấp giáo trình giá phải chăng cho sinh viên.
Theo Hà Bình
Tuổi Trẻ
Tuổi Trẻ