Chụp ảnh kỷ yếu trước khi tốt nghiệp đã trở thành “phong trào” của sinh viên tất cả các trường ĐH, CĐ những năm trở lại đây. “Mùa” chụp ảnh thường vào tháng 9 đến tháng 11 và tầm tháng 6 – thời điểm trao bằng tốt nghiệp của các trường. Các địa điểm du lịch, các di tích như Văn Miếu, Hoàng thành Thăng Long, Hồ Gươm, tượng đài Lý Thái Tổ,... lại đông nghìn nghịt. Và để tránh bất tiện, hầu hết các lớp đều không ngại đầu tư thuê xe lớn để di chuyển tới các địa điểm được chọn chụp ảnh kỷ yếu.
Nguyễn Hải Anh - sinh viên năm cuối ĐH Thương Mại cho biết: “Hầu như tất cả các lớp đều chụp ảnh kỷ yếu, mới đầu chỉ nghĩ chụp để lưu lại kỷ niệm đẹp thời sinh viên thôi, nhưng rồi khi lên kế hoạch chụp cứ bị cuốn đi theo phong trào: Lớp này chụp được nhiều kiểu đẹp, lớp kia tìm được địa điểm độc đáo... thế là thành chạy đua tìm địa điểm, thuê trang phục, tạo dáng làm thế nào để không thua kém lớp bạn. Mệt nhưng rất vui!”.
Đặc biệt những năm trở lại đây, chụp ảnh kỷ yếu được xem như “lẽ thường phải thế” nên hình ảnh từng tốp sinh viên súng sính với vest đen, áo dài rực rỡ bước xuống từ các xe biển tỉnh không còn quá lạ lẫm bởi suy nghĩ “cả đời mới có một lần thì phải đầu tư cho bõ” của các bạn sinh viên.
Đánh trúng tâm lý, nhiều dịch vụ ăn theo đã “hốt bạc” mỗi mùa kỷ yếu. “Thời gian gần đây, tôi liên tục nhận chở sinh viên đi chụp ảnh kỷ yếu. Phong trào này rộ lên như là "mốt", lớp nào cũng thuê xe trọn gói đi khắp nơi chụp ảnh”.Anh Hùng - tài xế cho biết, giá thuê xe mà anh lấy “mềm” là 2 triệu đồng/ tua 3 điểm/ngày.
Dịch vụ chụp ảnh cũng được mùa “hốt bạc”. Nguyễn Văn Minh - cựu SV Trường ĐH Xây dựng cho biết: “Mỗi mùa kỷ yếu, nhóm em cũng kiếm được kha khá nhờ làm ảnh trọn gói từ A tới Z”. Được biết, mỗi bộ ảnh kỷ yếu có giá dao động từ 2 - 5 triệu đồng, với 3 - 5 thợ chụp. Chưa kể thường các bạn sinh viên cũng lấy ảnh lẻ, lớp nào muốn làm album ảnh kỷ yếu thì giá phải lên đến 4 - 5 triệu đồng trọn gói. “Với giá như vậy thì một lớp khoảng từ 40 - 60 bạn, số tiền bỏ ra khoảng chưa đến 100.000 đồng/bạn, nhưng giá các dịch vụ đi kèm thì nhiều hơn, có khi lên đến tiền triệu”.
Theo tính toán, sinh viên nam tốn khoảng 200.000 – 300.000 cho áo vest, cavat hay giày thì sinh viên nữ thường sẽ phải mất thêm ít nhất khoảng 100.000 - 200.000 đồng tiền thuê áo dài, khoảng 200.000 – 300.000 đồng tiền trang điểm và làm tóc (nếu muốn chuyên nghiệp)…chưa kể đồ cử nhân, tiền vé vào các khu di tích cũng dao động từ 25.000 - 50.000 đồng/người, tiền ăn trưa, liên hoan, thuê xe đến các địa điểm khác nhau thì số tiền mỗi người phải chi ít nhất cũng 300.000 đồng, nhiều cũng khoảng trên dưới 1 triệu đồng/người.
Cạnh việc tốn kém tiền bạc, để có những hình ảnh đẹp đã đành, nhưng đôi lúc nhiều sinh viên khi đi chụp ảnh kỷ yếu rất thiếu ý thức.Chứng kiến cảnh tập thể cùng nhau xếp, tạo hình kỷ niệm ý nghĩa rất vui và cảm động nhưng cũng không ít những pha tạo dáng “sáng tạo” mà trông từ xa dễ gây phảm cảm. Chưa kể đến việc các bạn thoải mái đi lại, nằm hay nhảy trên thảm cỏ tự nhiên khiến sau mỗi mùa kỷ yếu nhiều mảng cỏ tại khoảng sân Hoàng Thành bật rễ hoặc nát trọc mặc dù đã có biển cấm. Bên cạnh đó, các lớp sau khi chụp ảnh xong rất hay vô tư “quên” lại sân những bó hoa héo nát cho đến rải rác tơi tả rất nhiều cánh hoa được vặt vụn để phụ bày cho các bạn.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Cô Trần Thị Dung - giảng viên Trường ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội cho biết: “Những năm trước, sinh viên năm cuối ra trường ngày nhận bằng tốt nghiệp chỉ thuê bộ đồ cử nhân về tự chụp ảnh lưu niệm cùng nhau. Vậy mà mấy năm gần đây, phong trào này phát triển rầm rộ, biến tướng và trở nên tốn kém. Tôi vẫn thường khuyên các em năm cuối không nên chi quá nhiều tiền cho hoạt động này. Thời điểm này lại sắp thi học kỳ, nếu mất nhiều thời gian cho kỷ yếu sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập”. Có lẽ đây cũng thông điệp mà người viết bài này gửi đến các bạn sinh viên mê chụp ảnh kỷ yếu…