"Call boy" sinh viên lên ngôi
Không khó để tìm một trang web dành riêng cho dân đồng tính trên mạng xã hội. Đặc biệt là thời đại bùng nổ về công nghệ, hầu như tất cả quá dễ dàng trong lòng bàn tay.
Cũng không còn mới lạ gì những khu chợ tình sôi nổi trên mạng của dân đồng tính, thế nhưng, dạo gần đây, dường như những khu chợ tình đó lại được tiếp thêm “nhựa sống” khi liên tục có những màn rao bán “hàng” đến từ chính những người tuổi đời còn rất trẻ. Đặc biệt hơn, tất cả những “con hàng” này đều mang danh sinh viên.
“Em là N, sinh viên năm 3 nhận đi khách khu vực XX, ai quan tâm xin vui lòng liên lạc theo số điện thoại XXXX” hay “Vì điều kiện cuộc sống khó khăn, em nhận đi khách cho các anh nào có nhu cầu. Em cao ráo, cứng cáp, liên lạc em theo số XXX. Em là sinh viên nên các anh hãy giúp em”.
Những kiểu mời chào như này xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội và diễn đàn dành cho dân đồng tính.
Một điều lạ là, những bài viết nào giới thiệu tựa đề nói mình là sinh viên đều có rất nhiều người bình luận và để lại số điện thoại liên lạc. Chính vì thế mà giờ đây ở hầu hết các diễn đàn, có khoảng 2 /3 tin đăng lên là thuộc về sinh viên dạng như trên. Cũng chính vì thế mà giờ đây trong giới đồng tính xuất hiện một thuật ngữ thịnh hành “Trai bao sinh viên”.
Khi sinh viên nô nức đi làm trai bao.
Giá cả của loại hình mới này lại đặc biệt thu hút nhiều người bởi tương đối “hợp túi tiền”, thậm chí rẻ chỉ bằng một nửa so với “dịch vụ” thông thường. Dễ hiểu vì sao nhiều người tự đặt ra câu hỏi cho bản thân “Tội gì không thử?”.
Liên lạc với một sinh viên mà theo giới thiệu là đang học tại một trường Đại học có tiếng ở Hà Nội, ngay sau khi để lại số điện thoại liên hệ, lập tức, người sinh viên này gửi lời mời kết bạn qua một phần mềm nói chuyện phổ thông khác để bắt đầu cuộc trò chuyện.
Qua trao đổi, sinh viên này tự giới thiệu tên Nam, hiện là sinh viên năm nhất. Nam thẳng thắn chia sẻ rằng: “Hè này em tính ở lại Hà Nội làm thêm để không phụ thuộc bố mẹ nhiều nữa, anh đừng đánh giá em, ai cũng có hoàn cảnh của mình”.
Trả lời lại tin nhắn của Nam rằng, tôi cần gặp để nhìn rõ Nam ngoài đời mới quyết định được. Nam đồng ý và cho tôi một cái hẹn cụ thể để cả hai có thể nói chuyện. Đúng như lịch hẹn, tôi gặp Nam ở một quán cafe trên một phố nhỏ ở Hà Nội. Gặp Nam, tôi đoán Nam không phải là sinh viên năm nhất. Qua cách nói chuyện, hành động của cậu ta đều chứng tỏ Nam đã là người từng trải trong cuộc sống.
Cuộc nói chuyện giữa tôi và Nam khá ngắn, Nam mạnh dạn đi thẳng vào vấn đề chính khi đặt câu hỏi: “500 nghìn đi nhanh, qua đêm là 800 nghìn. Tiền nhà nghỉ em lo, anh cứ đặt lịch và giờ nào anh rảnh, em sẽ sắp xếp và gọi lại cho anh”.
Hóa ra, tôi không phải là khách hàng duy nhất của Nam hôm nay, thấy tôi có vẻ phân vân, Nam nói thêm: “Anh yên tâm, em hàng ổn, sạch sẽ, nhiệt tình, lại còn là sinh viên nữa nên anh cứ yên tâm, không phải đắn đo gì”.
Tôi hỏi ngược lại Nam rằng giá đó có đắt quá không, vì Nam cũng không được như trong ảnh đăng trên diễn đàn, Nam nhanh nhảu đáp: “Nếu anh đồng ý, em giảm giá xuống cho 300 nghìn đi nhanh, qua đêm em lấy 600 , nhưng nhà nghỉ không được sang như giá kia đâu, anh thông cảm, em là sinh viên nghèo, làm cái này coi như kiếm thêm lúc rảnh rỗi thôi, anh có đi thì đi chứ em không giảm giá cho anh được nữa đâu”.
Khi tôi bày tỏ quan ngại rằng sợ Nam sẽ cấu kết với nhà nghỉ để gây khó dễ cho tôi thì sao? Cậu trai nghe xong vội khẳng định chắc nịch rằng, bản thân làm ăn từ trước đến giờ không hề móc nối với ai cả. Nếu không tin, cậu ta cho tôi “quyền” chọn nhà nghỉ và nhắn tin lại.
Nam cho biết thêm rằng, nhiều người cũng gặp trường hợp khi đang quan hệ với nhau, nhân viên nhà nghỉ mở cửa ập vào quay video và đe dọa nếu không chịu trả thêm tiền thì sẽ phát tán video đó lên mạng, hoặc thậm chí có trường hợp còn bị lấy hết tiền bạc, giấy tờ sau khi đi tắm.
Nhưng Nam khẳng định thêm rằng, đó là những người có chủ tâm lấy cắp đồ đạc của khách từ trước, móc nối với các chủ nhà nghỉ để gây khó dễ cho khách. Những khách hàng này hầu như sẽ ngoan ngoãn trả thêm tiền cho nhà nghỉ vì không muốn “mất uy tín của bản thân” nếu clip đó bị phát tán ra ngoài.
Nhiều trường hợp, sau khi trả tiền đủ cho nhà nghỉ nhưng những clip vẫn được lan truyền trên mạng xã hội, ở những nhóm bí mật của cộng đồng những người đồng tính để mua vui cho nhau.
Tôi nói với Nam rằng, tôi sẽ liên lạc lại vì hôm nay có việc bận. Nam hiểu ý, nói thêm rằng: “Anh thương em thì anh đi cho em, chứ em sinh viên, nghèo không có tiền nên mới làm cái này, em cần tiền. Nhiều đứa cũng là sinh viên, cũng làm nhưng có khi nó còn bao lại khách đấy, vì em cần tiền để làm một số việc nên anh có thương thì anh đi cho em, em hứa sẽ làm anh hài lòng.”
Mác sinh viên nhưng chất lượng “phụ huynh”
Phải công nhận rằng, chỉ cần tự ghi bản thân gắn mác sinh viên thì lập tức sẽ có rất nhiều lời đặt hàng. Chính vì thế, có những đối tượng mặc dù đã qua tuổi sinh viên khá nhiều năm nhưng cũng đăng tin rao bán mác “sinh viên” để có thể dễ dàng tìm được khách hàng.
Điển hình như sự việc của Huy- một khách mua “hàng” sinh viên. Huy cũng được giới thiệu bởi người bán là sinh viên ngoan ngoãn, gia đình khó khăn nên mới đi làm để có thể kiếm một khoản thu nhập phụ giúp gia đình. Thế nhưng, khi gặp gỡ nhau, mọi thứ thay đổi chóng mặt, khi mà anh “sinh viên nhà nghèo” kia lại có số tuổi lớn hơn cả người mua.
Đã thế, chính Huy còn bị gạ lại lên giường với “sinh viên” kia và “sinh viên” kia sẽ chi trả cho Huy một số tiền hậu hĩnh. “Đúng là thời kì hỗn loạn, không tin vào đâu được, chẳng hiểu sao lại suýt bị biến thành call boy cho mấy thằng già bệnh hoạn” - Huy bức xúc chia sẻ dòng cảm xúc cùng câu chuyện của mình trên Blog của người đồng tính.
Một dịch vụ mới hái ra tiền sẽ luôn là chủ đề đáng chú ý của những đối tượng có nhu cầu. Khi mà đồng tiền trở nên quá mạnh, đủ để lấn át đi lòng tự trọng và nhân phẩm của một con người. Dù ở lứa tuổi nào, học thức ra sao nhưng với kiểu suy nghĩ vì đồng tiền mà bất chấp mọi thứ thì cần đáng báo động.
Trong cuộc sống lúc nào cũng có những cám dỗ, cạm bẫy mà những ai không có bản lĩnh dễ dàng bị vướng phải. Đặc biệt là trong giới đồng tính, những cạm bẫy đó có thể nhiều gấp nhiều lần so với những người dị tính. Làm sao để xã hội có một cái nhìn công bằng và văn minh với giới đồng tính, chắc chắn điều đó phải đến từ những việc làm văn minh từ chính người trong cuộc.